Nhà thầu không đồng ý có thể gửi văn bản đến người có thẩm quyền
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, lãnh đạo Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, nhà đầu tư đã có văn bản phản hồi 3 liên danh (Hoa Lư, Vietur và Liên danh CHEC – BCEG-Vietnam Contractors/ CHEC – BCEG-Vietnam Contractors Consortium) tham gia gói thầu 5.10 trị giá 35.200 tỷ đồng (xây dựng và lắp đặt thiết bị sân bay Long Thành).
Cụ thể, nhà đầu tư phản hồi quá trình mời thầu đã đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, căn cứ theo những tiêu chí, yêu cầu, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét hồ sơ dự thầu, các nội dung cần làm rõ cũng đã được bên mời thầu, có các văn bản yêu cầu bổ sung theo đúng quy định, đảm bảo công bằng, khách quan các bên dự thầu.
Lãnh đạo ACV khẳng định nhà đầu tư đã đánh giá theo đúng hồ sơ đề xuất của nhà thầu đã nộp tuân thủ theo đúng quy định về pháp luật đấu thầu, đảm bảo công bằng và minh bạch để chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng hồ sơ mời thầu để thực hiện dự án đúng tiến độ và chất lượng.
Theo báo Dân trí, ACV cũng phản hồi liên danh Hoa Lư về quy trình giải quyết kiến nghị. Theo đó, các văn bản kiến nghị của nhà thầu cần được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu và được ký bởi đại diện hợp pháp của nhà thầu.
Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu.
Gói thầu đang trong quá trình xét thầu, các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tại thư kiến nghị của liên danh Hoa Lư, nhà thầu gửi kiến nghị đến nhiều cấp lãnh đạo, quản lý, các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư là chưa phù hợp với quy trình giải quyết kiến nghị. Việc này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu khi chưa hết hạn giải quyết kiến nghị.
Do đó, chủ đầu tư đề nghị nhà thầu tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.
Trước đó, liên danh Hoa Lư đã đơn khiếu nại bên mời thầu là ACV. Khiếu nại đưa ra sau khi ACV thông báo liên danh Vietur (gồm 1 công ty nước ngoài và 9 công ty trong nước) là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thông báo số 3146 (gói thầu 5.10).
Liên danh Hoa Lư đứng đầu là công ty Coteccons cho rằng có bằng chứng thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS - Công ty IC Holdings (Thổ Nhĩ Kỳ) đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10. Từ đó, liên danh Hoa Lư kiến nghị cần xem xét lại thông báo 3146.
Đồng thời, Hoa Lư kiến nghị ACV dừng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10 (vòng 2, sau vòng kỹ thuật) và đề nghị thẩm tra, xác minh lại năng lực của các liên danh nhà thầu hoặc mời đơn vị độc lập thứ 3 (tư vấn quốc tế) có đầy đủ năng lực và chuyên môn để đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu của các bên.
Sếp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nói gì?
Chia sẻ trên Vietnamnet, lãnh đạo ACV cho biết, việc đánh giá năng lực nhà thầu đều do tổ chuyên gia, đơn vị độc lập đánh giá và ACV không tham gia.
Bên cạnh đó, một lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước - đơn vị nắm hơn 95% vốn tại ACV cũng đã cho biết việc thực hiện đấu thầu gói 5.10 theo đúng quy định và theo kế hoạch.
ACV đang khẩn trương thực hiện dự án đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khởi công bằng được nhà ga Sân bay Long Thành trong tháng 8/2023
Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải khởi công xây dựng nhà ga hành khách tại Sân bay Long Thành trong tháng 8.
Về tình hình giải phóng mặt bằng, theo Chủ tịch UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), tính đến cuối tháng 7/2023, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã hoàn thành 100% (2.532ha).