Lăng kính chứng khoán 25/7: Thị trường còn tạo nền trước khi bứt tốc

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường nhưng diễn biến có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do cận vùng cản 1.200 - 1.220 điểm.

Lăng kính chứng khoán 25/7: Thị trường còn tạo nền trước khi bứt tốc - Ảnh 1

Với những thông tin hỗ trợ từ thị trường, loạt cổ phiếu bất động sản NVL, VCG, ITA,... đều tăng kịch biên độ đã "cứu vớt" được mức tăng cuối phiên của VN-Index.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, VN-Index tăng 4,82 điểm, tương đương 0,41% lên 1.190,72 điểm. Toàn sàn có 301 mã tăng, 154 mã giảm và 71 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,55 điểm, tương đương 0,66% lên 236,53 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 75 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm lên 88,69 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 16 mã tăng giá.

Thanh khoản thị trường vẫn được duy trì với tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 23.189 tỷ đồng, tăng 2,7% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 20.049 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với phiên trước. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 7.227 tỷ đồng.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục biến nối dài đà tăng sau khi vượt được mức cản 1.180 điểm. Cùng với đó, sự bứt phá trong phiên cuối tuần đã có tác dụng khiến nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội gia tăng (FOMO), từ đó thu hút dòng tiền mới tham gia khiến thanh khoản thị trường tăng cao sau thời gian biến động thận trọng trước đó.

Với đà tăng này, thị trường sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu mức giá mục tiêu quanh 1.200 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 78,6% cùng mục tiêu sóng 3 tăng).

Chứng khoán PSI: Đồ thị kỹ thuật của VN-Index tiếp tục là một cây nến Doji cho thấy áp lực giữa 2 bên mua – bán khi chỉ số tiếp cận vùng điểm cản. Thanh khoản có sự suy giảm phản ánh dòng tiền đầu tư dần thận trọng hơn trong giai đoạn hiện tại.

VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang tích luỹ trong các phiên tới, trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng quanh 1.200 điểm. PSI khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỉ trọng cổ phiếu tại những nhịp phục tăng điểm từ thị trường trong bối cảnh nhằm thực hiện hóa lợi nhuận.

Chứng khoán Rồng Việt: Nguồn cung gia tăng trong phiên khiến thị trường có lúc lùi bước, nhưng nhìn chung áp lực này vẫn chưa đủ để gây mức giảm lớn cho thị trường, nhờ dòng tiền vẫn duy trì nỗ lực hỗ trợ. Với tín hiệu này, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần hướng tới vùng cản 1.200 -1.220 điểm trong thời gian tới, dự kiến vùng này có thể gây áp lực cung lớn đến thị trường.

Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường nhưng diễn biến có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do cận vùng cản. Hiện tại, có thể tiếp tục nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có tín hiệu tốt từ nền tích lũy. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng đến vùng cản để cân đối lại danh mục.

Tin vắn chứng khoán

- Sáng 24/7/2023, các ngân hàng thương mại Nhà nước thay biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, giảm lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng chỉ còn 3,3%/năm. Cụ thể, tại Agribank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0.1 điểm phần trăm còn 3,3%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng cũng giảm 0.3 điểm phần trăm, còn 6%/năm. Các mức lãi suất còn lại được giữ nguyên. Như vậy, mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại Agribank là 6.3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Tương tự, Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng giảm lãi suất kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng mức 0,1 điểm phần trăm về còn 3,3%/năm; các kỳ hạn còn lại giữ nguyên. Lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng này là 6.3%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, sau đợt điều chỉnh này, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng tại các ngân hàng quốc doanh đang thấp hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được cho phép là 4,75%/năm.

- Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo trắng phi basmati từ ngày 20/7. Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Ấn Độ nhằm kìm hãm đà tăng của giá lương thực. Radhika Rao, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại DBS Bank, nhận định các quốc gia bị tác động có thể chuyển sang các nhà cung ứng khác trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam.

Phạm Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục