Lạm phát: Không lo ngại tăng cao

(Kinhdoanhnet) - Ngay sau khi CPI tháng 2 được công bố, đã xuất hiện lo ngại cho rằng lạm phát có thể trở lại chu kỳ tăng cao và tạo sức ép trong năm 2016. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, mức lạm phát này không quá “nguy hiểm”.

CPI tháng 2 trong cả nước tăng 0,42%

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, ngày 24/2/2016, cho thấy, CPI tháng 2 trong cả nước đã tăng 0,42% so với tháng 1/2016, tăng 1,27% so với cùng kỳ tháng 2/2016. Trong đó, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá (tăng nhiều nhất là nhóm dịch vụ ăn uống 1,98%, tiếp đến là nhóm hàng hóa, giải trí, du lịch…) và 3 nhóm hàng giảm giá (Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,41%; Giao thông giảm 3,96%; Bưu chính viễn thông giảm 0,16%). Cục Cũng theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 tại TP.HCM tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước.

Lạm phát: Không lo ngại tăng cao - Ảnh 1
CPI tháng 2 trong cả nước đã tăng 0,42% so với tháng 1/2016

Ăn theo nhu cầu Tết Nguyên đán, dù đã sang cuối tháng 2, nhưng nhu cầu về hội hè, giải trí của người dân vẫn cao. Chính vì lẽ đó, giá dịch vụ vận chuyển vẫn cao và có chiều hướng tăng chứ không giảm. Ví dụ, giao thông công cộng tăng 3,45% trong đó giá vé ô tô khách tăng 6,31% và vé tàu hỏa tăng 7,01%

Đáng chú ý, mức tăng mạnh chỉ diễn ra với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Đây cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ tính CPI nên đã ảnh hưởng mạnh tới mức tăng chung. Mặc dù mức tăng CPI 0,42% trong cả nước được tính là mức tăng cao nhất trong gần 2 năm qua, nhưng vẫn chỉ là mức tăng thấp hơn nhiều so với CPI nhiều năm trước đó.

CPI cả năm dự đoán chỉ dao động ở mức 1%

Trước đó, Khối nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC nhận định, việc ổn định giá xăng dầu đã tạo ra những hiệu ứng cơ bản, nhưng giá thực phẩm những tháng đầu năm có thể tăng cao khiến lạm phát có thể quay lại, nâng mức lạm phát thực phẩm lên khoảng 3% và có thể tăng tới 5,1% vào nửa cuối năm 2016, vượt mức mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, nhận định về điều này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng CPI 0,42% chỉ là mức tăng trung bình, bởi trong vài tháng trở lại đây, đà phục hồi của nền kinh tế đang có xu hướng chững lại. Trong thời gian tới, CPI chưa thể tăng mạnh. Khi hiệu ứng Tết qua đi, CPI tháng 3 sẽ không tăng mạnh như tháng 2 và sẽ dần ổn định vào những tháng tới và mức tăng CPI của cả năm 2016 khả năng sẽ dao động ở mức 1%.

Như vậy, câu chuyện lạm phát năm 2016 dù được khẳng định là không quá nóng, nhưng cũng chưa bao giờ là vấn đề “nguội” đối với các nhà kinh tế.

N.H

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục