Tuần trước, báo cáo mới của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, giá thực phẩm tại đất nước tỷ dân tăng liên tục trong tháng 10.
Đặc biệt, trong tuần tính đến ngày 31/10, giá thực phẩm cao hơn với tuần trước đó khoảng 3,7%. Riêng giá thịt heo, trứng gà và một rổ gồm 30 loại rau củ lần lượt tăng 10,6%, 6,4% và 6,6%.
Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu hụt hơi vì giá nguyên vật liệu leo thang bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, thị trường bất động sản ảm đạm và cuộc khủng hoảng thiếu điện chưa chấm dứt. Trong quý III vừa qua, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với dự báo của các nhà kinh tế.
Vài tháng gần đây, Bắc Kinh đã ra sức "chữa cháy" bằng cách kiểm soát giá cả trên thị trường, xả kho dự trữ chiến lược, trấn áp nạn đầu cơ nên cơn sốt giá tạm hạ nhiệt.
Hồi tháng 9, chỉ số CPI chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành tháng thứ tư liên tiếp số liệu chững lại. Song, chỉ số CPI tháng 10 của Trung Quốc được dự đoán là sẽ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ và châu Âu cũng đang đối mặt những rủi ro tương tự, khi giá năng lượng tăng nóng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế. Riêng tại Liên minh châu Âu (EU), số liệu vĩ mô thường có độ trễ so với các khu vực khác.
EU chưa công bố mức tăng trưởng GDP quý III. Theo dự báo của Eurostat, GDP quý vừa qua có thể tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giá khí đốt sẽ thể hiện trong số liệu quý IV.
Trong khi các ngân hàng trung ương (NHTW) như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định lạm phát chỉ là mối lo tạm thời, một số cơ quan như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại kêu gọi các nước nhanh chóng tăng lãi suất để tránh hậu quả nặng nề.
Nhìn chung, các số liệu kinh tế kém vui từ khắp thế giới là báo động đỏ cho nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, khá nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation).
Lạm phát đình trệ là hiện tượng mà tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, tỷ lệ thất nghiệp lên cao (đình trệ), đồng thời giá cả hàng hóa tăng phi mã (lạm phát). Trong những năm 1970, thế giới đã từng trải qua cú sốc này.
Khi đề cập đến lạm phát đình trệ, có một số dấu hiệu nhận biết như giá dầu thô tăng cao, lạm phát tăng nóng, thất nghiệp tràn lan và suy thoái kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế thế giới dường như đang hội tụ đủ các yếu tố ấy.
Hồi tháng 10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 từ 6% xuống 5,9%. Tương tự, OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay đạt 5,7% - mất 0,1 điểm % so với ước tính trước đó. Còn Fitch Ratings nhận định GDP toàn thế giới năm 2021 tăng 6%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm % so với hồi tháng 6.
Nền kinh tế chung vốn chưa phục hồi hoàn toàn từ đợt suy thoái năm ngoái. Giờ đây, diễn biến khó lường của đại dịch cùng với tốc độ triển khai vắc xin chậm chạp đang phủ bóng mờ lên bức tranh kinh tế, đe dọa thị trường việc làm và thu nhập của người dân.
Ở diễn biến khác, tính riêng trong năm nay, giá hàng hóa toàn cầu từ năng lượng, thực phẩm đến kim loại công nghiệp đều tăng vọt. Đơn cử, giá dầu Brent đã tăng 60%; giá khí đốt thế giới nhảy vọt 116% (riêng tại châu Âu phi mã gần 600%); hay giá đồng đi lên 25,6%.
Bà Gita Gopinath, Kinh tế trưởng của IMF, từng nhấn mạnh: "Tuy chính sách tiền tệ thường có thể bỏ qua sự gia tăng nhất thời của lạm phát, các NHTW nên chuẩn bị sẵn tâm thế nếu rủi ro lạm phát tăng mạnh trở nên hiện hữu hơn trong quá trình phục hồi chưa từng có tiền lệ này".