Bước sang tháng 7/2022, ở nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất tiết kiệm dao động từ 3,5% - 7,3%, tuỳ từng kỳ hạn gửi tiền.
Thống kê cho thấy, lãi suất Ngân hàng VIB tháng 7/2022 cao nhất ở mức 6,3%, tại kỳ hạn 24, 36 tháng; lãi suất thấp nhất là 3,9%, ở kỳ hạn 1, 2 tháng.
Còn ACB là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm mạnh nhất, với mức tăng thêm từ 0,6 - 0,9%/năm. Cụ thể, tăng thêm 0,6% cho kỳ 3 và 12 tháng; tăng 0,8% đối với kỳ 6 tháng; tăng 0,9% đối với kỳ hạn 9 tháng.
Một ngân hàng khác cũng có những điều chỉnh mạnh trên biểu lãi suất là HDBank, với mức tăng thêm từ 0,2 - 1,2%/năm. Đối với huy động tại quầy: kỳ hạn 3 tháng lãi suất tăng thêm 0,4% lên mức 3,5%; kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,3% lên mức 5,1%; kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,85%/năm. Đặc biệt, HDBank điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi online, với mức tăng từ 0,9 - 1,2%/năm.
Biểu lãi suất tại quầy và online tại TPBank cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm cho hầu hết các kỳ hạn phổ biến.
Hiện nay, SCB vẫn là ngân hàng có lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất thị trường khi lãi suất huy động kỳ hạn 12, 15, 18, 24, 36 tháng neo ở mức 7,3%/năm.
Lãi suất Ngân hàng Sacombank cao nhất là 6,3%, ở kỳ hạn gửi tiền 36 tháng; lãi suất tiền gửi thấp nhất tại Sacombank là 3,5%, ở kỳ hạn 1 tháng.
Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại nhà nước ( gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) sau thời gian dài giữ nguyên lãi suất thì đến tháng 6 và tháng 7 đã có động thái tăng lãi suất.
Đầu tiên là ngân hàng BIDV hồi tháng 6/2022 đã có động thái tăng lãi suất. Với kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiết kiệm trong khoảng từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại BIDV là 5,6%/năm khi đăng ký mở tiết kiệm với kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Đến tháng 7 này, mức lãi suất tiết kiệm vẫn giữ ổn định.
Nối tiếp BIDV, ngân hàng Agribank đầu tháng 7/2022 này cũng có động thái tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn dưới 12 tháng được giữ nguyên. Ở kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng, Agribank điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm %, nâng lãi suất từ 5,5%/năm lên mức 5,6%/năm.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng VietinBank vẫn tiếp tục duy trì lãi suất từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm trong nhiều tháng liền không đổi. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,6%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Đáng nói, ngân hàng có lãi suất tiết kiệm thấp nhất hiện nay chính là Vietcombank, với khung lãi suất đang áp dụng từ 3%/năm đến 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng, không đổi so với tháng trước. Mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang triển khai là 5,5%/năm, áp dụng cho tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.
Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động niêm yết bình quân tại các NHTM đã bắt đầu tăng trở lại từ quý I/2022. Với những nhu cầu tín tăng cao, VCBS dự báo lãi suất huy động tại các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tới cuối năm, tuy nhiên một số ngân hàng thu hút được lượng khách hàng dồi dào sẽ chịu ít áp lực hơn.
Trong khi đó, với kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM vào thời điểm cuối quý 3/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng, các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán SSI dự báo: “mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ không còn gặp nhiều áp lực tăng như trong thời gian gần đây”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục tăng nhẹ trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu tín dụng có sự tăng trưởng tích cực. Còn trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có thể tăng lên nhưng vẫn giữ được ổn định nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp để bình ổn thị trường. Với tất cả những áp lực này, TS. Cấn Văn Lực dự báo: “mặt bằng lãi suất trong nước sẽ có xu hướng tăng”.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết