Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng trong năm 2022?

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2/2022, tiền gửi của người dân tăng hơn 56.000 tỷ đồng. Mức tăng này trong tháng 1/2022 là 103.000 tỷ đồng. Tổng đạt mức ròng 159.000 tỷ đồng, lớn hơn con số 158.000 tỷ đồng trong cả năm 2021...

 

Khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ phải điều chỉnh. Giá vốn cho người đi vay sẽ đắt đỏ hơn
Khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ phải điều chỉnh. Giá vốn cho người đi vay sẽ đắt đỏ hơn
 

Cuộc đua lãi suất sẽ càng “nóng”?

Trong năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành ảnh hưởng tiêu cực tình hình tài chính của người dân, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư thấp kỷ lục. Ngược lại, các kênh đầu tư khác như bất động sản phục hồi, chứng khoán tăng trưởng mạnh, trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn… cũng chia sẻ một phần dòng tiền vốn dĩ được chảy về hệ thống ngân hàng.

Việc tiền gửi người dân tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm là điều hiếm gặp. Bởi đầu năm Dương lịch lại là cuối năm Âm lịch, người dân thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán và đầu tư ngắn hạn.

Theo các chuyên gia, việc dòng tiền đổ vào gửi ngân hàng tăng mạnh chủ yếu được tác động nhờ vào việc các ngân hàng thương mại bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Hiện so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm. Cụ thể, mức lãi suất tiết kiệm dao động từ 5,5 - 7,6%/năm, tùy từng ngân hàng. Lãi suất gửi tiền online tại một số ngân hàng hiện đang cao hơn lãi suất gửi tại quầy từ 0,1 - 0,3%.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) còn đưa ra dự báo, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng thêm 0,5-1,0 điểm phần trăm trong cả năm 2022. VCBS đưa ra dự báo dựa trên quan điểm lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể vượt mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra trong bối cảnh giá hàng hóa nguyên vật liệu thế giới leo thang. Thực tế cho thấy, mặc dù lạm phát chưa quá nhiều nhưng cuộc đua lãi suất huy động nhưng cũng đang rất “nóng”.

Một yếu tố nữa khiến dòng tiền quay về hệ thống ngân hàng là do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có dấu hiệu chững lại.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, không chỉ tiền gửi cư dân tăng mạnh mà trong tháng 2/2022, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng 59nghìn tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh đã cho thấy những tín hiệu sáng trở lại, nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng khi dành vốn cho hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tiền vẫn tranh thủ sinh lời ở ngân hàng, đặc biệt khi mặt bằng lãi suất đang tăng.

Nhu cầu vốn đang tăng mạnh

Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng trong năm 2022? - Ảnh 1
Khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khó sẽ chồng khó bởi ngoài việc lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số liệu cuối tháng 2/2021 đã phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại ngân hàng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó. Dòng tiền nhàn rỗi của cư dân chắc chắn sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Song song, các ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản...

Theo nhiều chuyên gia, lãi suất và lạm phát luôn song hành với nhau. Sự ổn định của lãi suất, nhất là lãi suất tiền gửi đang gặp phải thách thức lớn là lạm phát. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng đang được các ngân hàng hết sức cân nhắc.

Một lý do khác đó là khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ phải điều chỉnh. Giá vốn cho người đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Đây là điều cơ quan điều hành không muốn nhắm tới, nhất là hiện nay, chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế đang được triển khai rất quyết liệt.

Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại lãi suất cho vay khó giữ được "bình tĩnh" trước nhu cầu vốn ngày càng tăng cao để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Hiện, nhu cầu vay vốn đang tăng cao. Tính từ đầu năm đến hết 31/3, tín dụng tăng 5,04%, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản kể trên, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.

Khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khó sẽ chồng khó bởi ngoài việc lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng thì kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau những ồn ào của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua.

Nguyễn Vũ

Pháp Luật và Xã hội
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục