Đẩy lãi suất tăng
Khảo sát số liệu tại các ngân hàng từ đầu tháng 12 cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết đã được đẩy lên mức trần 5,5%/năm, trong khi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động ở mức 5,7-7,6%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng trở lên có mức lãi suất cao nhất do không bị Ngân hàng Nhà nước áp trần.
Những khách hàng có tiền, gửi kỳ hạn 6 tháng, đang được hưởng lợi bởi nhiều ngân hàng đang huy động với lãi suất khá cao. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng mức lãi suất 7,4%/năm và không quy định về số tiền gửi. Ngân hàng Bắc Á là 7,3%, VPBank là 7,2%. Các ngân hàng khác có lãi suất trên 7%/năm là: SCB, OCB, PVcomBank, VietABank,...
Áp lực đè nặng lên lãi suất cuối năm (ảnh Minh Dũng)
Với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng, gửi tại VPBank sẽ được hưởng lãi suất tới 7,7%/năm. Còn gửi kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) có mức lãi suất 8,6%/năm, các ngân hàng khác như TP Bank, VIB, PVcomBank có lãi suất từ 8,4-8,5%/năm nhưng đặt ra yêu cầu về số tiền gửi,...
Ngoài việc tăng lãi suất, thời điểm này, các ngân hàng còn liên tiếp tung ra các chương trình tặng quà, khuyến mãi, cộng lãi suất,... để thu hút khách hàng. Có thể nói, càng về cuối năm, lãi suất huy động tiền đồng càng được nhiều ngân hàng điều chỉnh cao hơn.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đang duy trì mặt ở bằng cao. Kỳ hạn qua đêm dao động ở mức 4,83%/năm, 1 tuần là 4,8%/năm, 1 tháng là 5,18%/năm và 3 tháng là 5,41%/năm.
Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho biết, thanh khoản của một số nhà băng gặp khó, biểu hiện rõ nhất là lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng. Đó cũng là lý do khiến họ tăng lãi suất đầu vào.
Áp lực còn kéo dài
Các dự báo từ giới chuyên môn chứng tỏ, từ nay đến Tết âm lịch, lãi suất sẽ còn đứng ở mức cao, thậm chí vẫn có thể tăng ở một số ngân hàng. Lý do, nhu cầu về tiền phục vụ cho sản xuất lưu thông hàng hóa dịp Tết của các DN tăng. Cùng với đó, nhiều yếu tố khiến thanh khoản của các ngân hàng thương mại sụt giảm như: mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu thị trường và giải ngân vốn ngân sách tăng, làm giảm lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước,...
Thêm vào đó, nhiều ngân hàng đã vượt quy định về tỷ lệ cho vay trên huy động là 80% nên phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi, qua đó kéo tỷ lệ này xuống. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn sẽ đứng ở mức cao. Áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì như hiện tại đến Tết âm lịch.
. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN cũng như tăng trưởng kinh tế (ảnh minh họa - Minh Dũng)
Về dài hạn, các nhà phân tích nhận định lãi suất huy động khó giảm. Có một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định lãi suất đó là chỉ số CPI tháng 11/2018 đã giảm và thấp hơn khá nhiều mức mục tiêu là 4% đề ra; giá dầu sụt giảm mạnh trong suốt 2 tháng qua cũng giải tỏa bớt áp lực với lạm phát,... Tuy nhiên, những yếu tố này có thể thay đổi rất nhanh chóng nên khó để đưa ra nhận định về lãi suất trong dài hạn.
Trong khi đó, lại có nhiều yếu tố có thể tác động lạm phát trong năm 2019. Về khách quan, đồng USD có xu hướng tiếp tục tăng giá do kinh tế Mỹ khả quan và Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất. Giá dầu có thể tăng trở lại khi sản lượng khai thác giảm.
Trong nước, chủ trương của Chính phủ là chưa tăng giá một số mặt hàng cơ bản trong năm 2018, còn năm 2019 vẫn để ngỏ. Giá xăng dầu tăng do tăng thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít; giá điện nhiều khả năng cũng sẽ tăng; giá dịch vụ y tế, giáo dục một số tỉnh cũng tăng theo lộ trình,... Tất cả những yếu tố này khiến áp lực lạm phát vẫn còn khá lớn.
Để kiểm soát lạm phát, theo quan điểm một chuyên gia, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị tiền đồng là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng cần chuẩn bị cho yêu cầu giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống còn 40% từ 1/1/2019. Dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thường cao hơn các ngân hàng lớn. Những ngân hàng này lại cứ tăng lãi suất để huy động tiền gửi từ dân cư, dễ tạo ra cuộc đua lãi suất.
Cho dù lãi suất không tăng cũng sẽ giữ ở mức cao trong thời gian tới. Lãi suất cho vay ngắn hạn của một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn, đã tăng lên 9,5%/năm từ quý 3/2018, còn lãi suất cho vay trung hạn đã tăng lên 11%/năm và dài hạn ở mức 13-14%/năm. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN cũng như tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ tăng giá các mặt hàng cơ bản trong nước; đồng thời phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá để không đẩy mặt bằng lãi suất lên.
Theo Trần Thủy/VietNamNet