Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy hiện lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Còn lãi suất cho vay VNĐ dành cho các lĩnh vực ưu tiên lại được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn.
Liệu lãi suất có thể giảm được trong quý II năm nay?
Như vậy, có thể thấy rằng mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005-2006, nhưng nếu đem so sánh với lãi suất huy động hiện nay, các mức lãi vay này đang quá cao.
Do đó mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường.
Với kế hoạch giảm lãi suất cho vay trung – dài hạn thêm 1-1,5%/năm trong năm nay, các chuyên gia cho rằng kế hoạch này sẽ hoàn toàn có thể thực hiện được. Thậm chí theo phân tích của ủa các chuyên gia HSBC, NHNN Việt Nam hoàn toàn có thể cắt giảm lãi suất trong quý II năm nay. Bởi theo HSBC hiện lạm phát của Việt Nam vẫn tăng chậm hơn về gần tới mức 0, ngân hàng này cũng tin rằng trong ngắn hạn lạm phát sẽ duy trì mức tăng thấp, có khả năng xê dịch giữa 0% và 1% trong 5 tháng tới trước khi đạt mức tăng 2,8% so với năm ngoái vào cuối năm 2015. Chính vì vậy đây sẽ là một tín hiệu rõ nét nhất cho thấy lãi suất có thể giảm trong thời gian tới.
Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong quý 2 của Vụ Dự báo và Thống kê thì có tới trên 50% các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay giảm nhẹ trong quý II (bình quân kỳ vọng giảm 0,6-0,7%), trong đó lãi suất cho vay được nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng giảm hơn so với lãi suất huy động.
Tuy nhiên chiều ngược lại cũng có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất sẽ rất khó có thể giảm trong thời gian tới.
Cụ thể theo phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS), do lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá nhanh trong thời gian qua, cộng với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số quy định cho VAMC nhằm tạo điều kiện cho công ty này hoạt động mua bán nợ thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Đồng thời do hiện giá nguyên liệu trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian liên tục giảm có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước, nhất là các mặt hàng nhập khẩu. Không chỉ vậy giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng đang chịu tác động mạnh từ việc điều hành tăng giá xăng dầu và điều chỉnh giá điện nên có thể tác động làm tăng CPI trong những tháng tới.
Do đó MBS cho rằng khi CPI kỳ vọng tăng lên, cầu tín dụng ngày càng cao và tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể thì lãi suất sẽ không giảm thêm trong thời gian tới.
Cũng cùng chung quan điểm với MBS, một vị lãnh đạo ngân hàng cho rằng với chỉ tiêu CPI cả năm ở mức 5%, tăng trưởng tín dụng 13 – 15% thì lãi suất sẽ không thể giảm thêm được nữa.
Một vị lãnh đạo ngân hàng khác thì cho biết quyết định có giảm lãi suất hay không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền huy động.
“Ngân hàng không thể tự có tiền để muốn cho vay bao nhiêu cũng được. Chúng tôi phải cân nhắc kỹ sao cho mức lãi suất có thể chấp nhận được cho cả hai phía cho vay và đi vay” – vị này cho biết thêm.
Ngọc Anh (TH theo Trí thức trẻ; vietstock; VnExpress; Nhandan)