Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 21/2 đã tăng lên 4,14%, từ mức 2,15% vào phiên trước đó. Như vậy chỉ sau 1 đêm, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gần gấp đôi và chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023.
Đây là phiên tăng mạnh thứ ba liên tiếp của lãi suất qua đêm liên ngân hàng. So với mức ghi nhận vào cuối tuần trước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp gần 4 lần và cao hơn nhiều mức đỉnh điểm trong giai đoạn cao điểm thanh toán cận Tết Nguyên đán (2,38% ghi nhận vào ngày 7/2).
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều tăng mạnh so với cuối tuần trước: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 1,27% lên 3,81%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 1,39% lên 3,02%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,85% lên 2,55%.
Như vậy, so với cuối tuần trước, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng tới gần 4 lần (từ mức 1,04%); kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần cũng tăng mạnh gấp khoảng 2,5 lần và kỳ hạn 1 tháng cũng tăng gấp rưỡi.
Các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, không tăng đáng kể. Và đáng nói là các ngân hàng đang phải vay mượn nhau ở kỳ hạn qua đêm với lãi suất còn cao hơn các kỳ hạn dài hơn, từ 1 tuần đến 3 tháng.
Doanh số giao dịch qua kênh liên ngân hàng vẫn được duy trì ở mức tương đối cao, quanh mức 315.000 tỷ đồng trong những phiên gần đây.
Trong bối cảnh trên, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Cụ thể, trong phiên 20/2 và 21/2 đều có 1 thành viên thị trường trúng thầu OMO với tổng khối lượng lũy kế là hơn 6.037 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%/năm.
Trước đó, kênh cho vay OMO gần như không phát sinh giao dịch mới trong suốt nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, dù NHNN vẫn duy trì hoạt động chào thầu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng có nhu cầu. Điều này xuất hiện trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, thể hiện qua số dư CITAD (tiền gửi KKH các NHTM đặt tại NHNN) lên tới hơn 300.000 tỷ đồng và lãi suất liên ngân hàng giảm xuống vùng thấp lịch sử. Thậm chí, trong đầu quý 3/2023, Nhà điều hành còn phải khởi động lại kênh tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng tín dụng cao đột biến trong tháng 12/2023, lãi suất liên ngân có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là giai đoạn trước và sau Tết nguyên Đán
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng đi cùng với nhu cầu vay mượn qua kênh OMO xuất hiện trở lại sau nhiều tháng "đóng băng" cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dư thừa.
Ở một phương diện khác, lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh cũng góp phần giảm áp lực lên tỷ giá - vốn chịu nhiều sức ép trong bối cảnh đồng bạc xanh hồi phục mạnh trên thị trường quốc tế.