Lãi suất liên tục giảm, ngân hàng ế tiền, vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động các ngân hàng đã giảm 2- 3%/năm. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Lãi suất huy động liên tục giảm nhưng lãi vay vẫn cao

Từ đầu tháng 8, các ngân hàng liên tục giảm thêm lãi suất huy động. Đến nay, sau 4 lần NHNN giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động các ngân hàng đã giảm 2- 3%/năm.

Sau chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 - 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 - 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn.

Về dư nợ theo điều hành tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, ngay từ đầu năm xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 14 đến 15%. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay mới đạt hơn 4%. Như vậy còn rất nhiều dư địa để các ngân hàng thực hiện cho vay.

Lãi suất liên tục giảm, ngân hàng "thừa tiền", vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay?.
Lãi suất liên tục giảm, ngân hàng "thừa tiền", vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay?.

Theo ông Tú, nói "ế tiền" thì cũng không hẳn mà nguyên nhân nằm ở tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm. Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, ông Tú lý giải: Tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang thấp. Khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp thì cầu tín dụng không thể cao được. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tồn kho nhiều, khó khăn cho trong đơn hàng. Bên cạnh là những khó khăn trong xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng chưa thực sự sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai.

Dù lãi suất đã giảm song trên thực tế khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn là một thách thức không hề nhỏ.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME), hiện số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đang hoạt động chiếm trên 98% trong tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm. Bên cạnh đó kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. 

"Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn", ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Ông Phạm Anh Tuấn - Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho hay: “Một khó khăn hiện nay là lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại vẫn đang cao. Cụ thể, khi vay VND phục vụ sản xuất – kinh doanh (vay ngắn hạn 5 – 6 tháng), DN hiện đang vay ngắn hạn tại một NHTM Nhà nước với lãi suất 6,8%/năm, còn vay tại khối NHTM cổ phần từ 7,7 – 7,8%/năm. Riêng các gói vay đầu tư (trung và dài hạn) thì lãi suất vẫn đang “neo” ở mức 11%/năm”. “Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng có các giải pháp kịp thời để tiếp tục cấp vốn, giảm lãi suất cho vay, giảm một phần gánh nặng tài chính cho DN, đảm bảo việc làm, chế độ cho lượng lao động” – ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị.

Giải pháp nhiều, vẫn chưa đủ để tăng tín dụng

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của các biến đổi và thách thức không ngừng, việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả về vốn và tín dụng.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương.

DNNVV được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… nên việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn – tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

“Do đó, chương trình hướng tới mục đích giúp doanh nghiệp các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và hỗ trợ các hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp hữu ích đến từ diễn giả là các nhà lãnh đạo, doanh nhân” - bà Đặng Thị Hương nói.

Tuy nhiên, "gốc rễ" của vấn đề cần giải quyết là thị trường, tăng tổng cầu, các doanh nghiệp phải được hỗ trợ về đầu ra để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Vì thế, các chính sách về thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hay các chương trình xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy hơn nữa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tích cực tham gia tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường.

Trưởng khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM Lê Đạt Chí, nhận xét, lãi suất cho vay còn cao, bất chấp NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng trưởng tín dụng thấp, đồng nghĩa với ngân hàng phải dư thừa vốn và lãi suất vay phải đi xuống. “Nhiều nước thậm chí duy trì cả lãi suất thực âm để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi Việt Nam lại duy trì mức thực dương cao là không có lợi cho nền kinh tế. Đây là vấn đề cần phải xem xét nếu quyết tâm hạ lãi vay”- vị chuyên gia chia sẻ.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, cần nhận diện đúng điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn hiện nay nhưng cũng cần bình tĩnh để chia sẻ với Chính phủ, các bộ ngành lúc này, vì chính sách đã rất quyết liệt, hàng ngày hàng giờ, mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không trầm lắng, giải quyết được an sinh xã hội. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết họ cũng gặp khó trong việc đánh giá hiệu quả cho vay vì không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Với những DN có báo cáo tài chính rõ ràng, có phương án khắc phục lỗ, ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Vì vậy, muốn thúc đẩy tín dụng, cần phải có những giải pháp tổng thể, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, về cầu tiêu dùng, hay những giải pháp giúp DN giảm tồn kho, tăng đơn hàng, như vậy mới tăng nhu cầu vay vốn của thị trường.

Theo ô­­­­­­­­­­­­­­­­­­ng Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, kinh tế khó khăn, nguồn lực của DN cạn kiệt dẫn tới việc các DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, do đó không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nhiều DN có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Trao đổi về những khó khăn khiến các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng DN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, thường các ngân hàng khi thẩm định năng lực của các DN có nhu cầu cấp vốn tín dụng sẽ căn cứ vào hồ sơ năng lực kinh doanh của khách hàng, tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính và sổ sách kế toán cũng như tính khả thi của phương án… Trong khi đó, phần lớn các DNNVV còn thiếu năng lực kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ vay vốn, nhất là quá trình thiết lập hệ thống báo cáo tài chính cũng như sổ sách kế toán. Trong quá trình thẩm định, nếu ngân hàng thấy có độ tin cậy thấp sẽ không đánh giá được năng lực khiến quá trình tiếp cận vốn vay của DN gặp khó khăn.

Thực tế cũng chỉ ra thời gian qua NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần, phân bổ hết room tín dụng, ban hành Thông tư cơ cấu nợ, tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Để đáp ứng những yêu cầu về hỗ trợ DN và nền kinh tế nói chung, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã rà soát, sửa đổi để rút ngắn quy trình và thời gian thẩm định cho vay, đồng thời nghiên cứu “may đo” các sản phẩm tín dụng phù hợp vời từng loại hình DN, ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay để các DN dễ tiếp cận hơn… Song bất chấp những nỗ lực này tín dụng vẫn tăng rất chậm 4,3%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đinh Ngọc Dũng cho biết, SHB đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngân hàng cũng tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện "may đo" sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn.

Doanh nghiệp khó khăn, nợ thuế tăng cao

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán và bằng 91,1% (giảm 13,1 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân 6 tháng đầu năm. Trong đó, thu nội địa ước đạt 114,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán; thu từ dầu thô ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng bằng 11,4% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14,7 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng thu NSNN ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 65,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 59,2% dự toán). Cụ thể, thu nội địa ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô ước đạt khoảng 36 nghìn tỷ đồng, bằng 85,7% dự toán, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, có 3 khoản thu không đạt tiến độ dự toán gồm thuế bảo vệ môi trường ước đạt 31,4% dự toán, giảm 38,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 56,4% dự toán, giảm 10,9% so cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 39,9% dự toán, giảm 53,7% so cùng kỳ.

Kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Theo ước tính, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.

Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ làm giảm giá bán, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, doanh nghiệp khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, làm tăng tổng mức bán lẻ và góp phần kiềm chế lạm phát.

Hoàng Nhung

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục