Lãi suất sẽ giảm
Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) vừa đưa ra nhận định, do thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt nhưng tín dụng tăng trưởng thấp, đặc biệt là tín dụng bằng VND, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng cuối năm được dự báo tiếp tục ổn định và giảm nhẹ với mức giảm khoảng 0,5%/năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên 70% tổ chức tín dụng (TCTD) cũng khẳng định hoặc dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên hoặc giảm nhẹ mức giá bình quân sản phẩm dịch vụ trong quý III và cả năm 2014.
88% các TCTD tin rằng, xu hướng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. Trên 70% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều giảm với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng 1,24%/năm và 1,43%/năm (tính chung cả năm 2014 so với năm 2013)...
Trước thông tin các TCTD hạ lãi suất 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng.
Doanh nghiệp nhỏ có ít cơ hội
Tổng giám đốc một công ty cổ phần quy mô lớn lại than thở: “Không phải doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn mà nhiều doanh nghiệp không vay được vốn do ngân hàng siết tín dụng”!
TS. Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã cho biết, khoảng 32% DNNVV tiếp cận được vốn vay ngân hàng thường xuyên, khoảng 35% phản ánh khó tiếp cận, còn lại 33% không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.
Việc tiếp cận nguồn vốn khác như: ngân hàng Chính sách, quỹ bình ổn giá… cũng gặp khó khăn. Chỉ có 48,6% số DNNVV có khả năng tiếp cận, 30,4% số DN khó tiếp cận và gần 21% số DN không tiếp cận được.
Vấn đề tự huy động vốn trên thị trường như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn thì phần lớn các DNNVV thường không có đủ điều kiện và uy tín.
So với quy mô tín dụng của toàn nền kinh tế, tỷ trọng dư nợ của DNNVV chỉ chiếm 21,4% nhưng tỷ lệ vay được vốn tín dụng rất thấp khoảng 24,4% với tỷ trọng gần 70% là vay ngắn hạn, gần 90% vay bằng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có xu hướng tăng.
Chị Quỳnh Lưu - phụ trách kế toán Công ty Dược Meotis cho biết, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với các DN nhỏ và vừa khá khó khăn, nhất là các DN mới đi vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là khó khăn về điều kiện tài sản đảm bảo luôn phải có giá trị cao hơn số vốn vay; mà còn cần phải có báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, các ngân hàng thường chỉ giảm lãi suất trong 6-12 tháng đầu năm, sau đó lãi suất đều trở lại mức 12-13%/năm. Bên cạnh đó, thủ tục xét duyệt hồ sơ vay vốn cũng rất phức tạp, mất thời gian.
Để DNNVV có thể tiếp cận được vốn ngân hàng, theo TS. Phạm Ngọc Long, do DNNVV có vốn thấp, tổng tài sản sinh lời thấp, khó có mức doanh thu đủ lớn để hấp dẫn các ngân hàng, nên cần có cách cho vay mới, chẳng hạn cho vay qua DN đầu mối liên kết nghiên cứu-sản xuất-chế biến-tiêu thụ. Hoặc cho vay theo mô hình bảo lãnh tín dụng trọn gói không cần tài sản đảm bảo, mô hình tín dụng kích cầu có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ…
Quốc Hưng (Tổng hợp)