Lãi hơn 6.500 tỷ đồng, chất lượng cho vay của MB Bank giảm sút

Quý I/2023, MB Bank báo lãi trước thuế tăng 10,2% lên mức 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng này đang đối mặt chất lượng nợ vay giảm sút với tổng nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 tăng 68% so với cuối năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế 6.512 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã: MBB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023. Có thể thấy điểm sáng hiếm hoi trong hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm của nhà băng này là thu nhập lãi thuần tăng 22% lên 10.227 tỷ đồng.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, giảm sâu nhất là lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn (giảm 86,8% còn 135 tỷ đồng) và hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh (giảm 62,8% xuống 37 tỷ đồng).

Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối lần lượt là 690 tỷ đồng và 370 tỷ đồng, tương đương giảm 38,2% và 20,6%. Lãi từ hoạt động khác giảm 13,2% xuống còn 467 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của MBBank giảm nhẹ 0,8%, xuống gần 3.568 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro cũng được cắt giảm xuống 1.850 tỷ đồng (giảm 13%).

Nhờ đó, kết thúc quý I/2023, MBBank báo lợi nhuận trước thuế đạt 6.512 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các loại thuế, ngân hàng MB mang về 5.023 tỷ đồng lãi ròng.

Theo kế hoạch kinh doanh được cổ đông thông qua, năm nay, MBBank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 26.138 đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2022. Như vậy, sau quý I/2023, nhà băng này đã hoàn thành 25% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Nợ xấu tăng 68%

Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của MBBank là chất lượng nợ cho vay giảm sút.

Tổng nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 tăng 68% so với cuối năm 2022. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2023 MBBank
Tổng nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 tăng 68% so với cuối năm 2022. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2023 MBBank

Theo đó, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) của nhà băng tăng 1,9% so với thời điểm kết thúc năm 2022, lên mức 456.257 tỷ đồng. Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 2,13 lần so với thời điểm cuối năm 2022 lên mức 16.67 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số dư nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 2,27 lần lên mức 3.455 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng 1,33 lần lên mức 1.622 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 1,47 lần đạt mức gần 3.376 tỷ đồng.

Như vậy, số dư nợ xấu của MBBank tăng vọt từ 5.031 tỷ đồng vào cuối năm 2022 lên mức 8.453 tỷ đồng tại ngày cuối cùng của quý I/2023. Điều này dẫn tới tỷ lệ nợ xấu nội bảng của MBBank tăng lên 1,76%.

Ngoài ra, MBBank cũng đang chịu rủi ro từ 553.972 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Bao gồm bảo lãnh vay vốn (142 tỷ đồng), cam kết giao dịch hối đoái (355.005 tỷ đồng), cam kết trong nghiệp vụ LC (27.305 tỷ đồng),…

Về tài sản, tổng tài sản của MBBank tại ngày 31/3/2023 tăng 4,42% so với hồi cuối năm 2022 lên mức 760.761 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay khách hàng là 469.698 tỷ đồng (tăng 4,7%, chiếm 61,7% tổng tài sản). Chứng khoán đầu tư tăng 20,8% lên 192.734 tỷ đồng.

Tiền mặt VND và ngoại tệ giảm 20,8% còn hơn 2.965 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm 51,9% còn 19.077 tỷ đồng.

Tại mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán thể hiện MBBank đang sở hữu 42.431 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 33 tháng đến 15 năm, lãi suất từ 3,79% - 10,50%/năm.

Ngoài ra còn có 3.128,2 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành có kỳ hạn từ 4 – 10 năm, lẫi suất từ 8,90% - 10,50%/năm.

Cũng theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, tại ngày 31/3/2023, nợ trái phiếu của MBBank ghi nhận hơn 25.847 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2022.

Nợ phải trả tăng nhẹ lên gần 675.993 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ Chính phủ và NHNN ở mức 2.548 tỷ đồng (tăng 7,7 lần). Tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ lên 452.414 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 8,7% đạt mức 105.025,5 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của MB Bank cũng tăng 6,47% lên mức 84.767 tỷ đồng.

Vân Anh

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục