Nhà thầu quen, dùng 1 nhân sự chủ chốt tham gia 5 gói thầu
Theo thống kê trên mạng đấu thầu Quốc gia, Công ty TNHH công trình mỏ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) trúng 18/18 gói thầu đào lò tại tại Công ty CP than Vàng Danh - Vinacomin (sau đây xin gọi tắt là than Vàng Danh). Tổng giá trị trúng thầu hơn 496 tỷ đồng, tỉ lệ giá trúng thầu so với giá dự toán là 98,75% tức tỉ lệ tiết kiệm khoảng 1,25%.
Chỉ tính riêng năm 2023, Công ty Việt Hồng trúng cả 3 gói thầu thuê công đoạn gia cường các đường lò: Gói thầu số 2: Thuê công đoạn gia cường các đường lò mức +139 -:- -175 GVD trị giá 39,8 tỷ đồng; Gói thầu số 10: Thuê công đoạn đào lò chuẩn bị sản xuất mức +105-:- -10 GVD trị giá 52,56 tỷ đồng và Gói thầu số 18: Thuê công đoạn gia cường các đường lò mức +115-:--175 GVD và GCG trị giá 45,015 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, ông Tạ Việt Hưng cũng là nhân sự chủ chốt của hai gói thầu: Gói thầu số 22: Thuê công đoạn đào lò chuẩn bị sản xuất mức +105-:- -175 GVD và Gói thầu số 21: Thuê công đoạn gia cường lò khu vực -175 GVD. Được biết, cả hai gói thầu này tới thời điểm hiện tại vẫn đang thi công.
Có thể thấy rằng, Công ty Việt Hồng đang dùng nhân sự chủ chốt duy nhất là ông Tạ Việt Hưng để thi công cùng lúc cả 5 gói thầu tại than Vàng Danh.
Trả lời cho vấn đề này, ông Ngô Văn Khiêm - phòng Kế hoạch Công ty than Vàng Danh đồng thời cũng nằm trong tổ chuyên gia đấu thầu của than Vàng Danh khẳng định không sai so với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và chủ đầu tư cũng thấy rằng một nhân sự này đáp ứng được nhiệm vụ theo yêu cầu.
Ông Khiêm cho biết thêm ngành mỏ là ngành đặc thù lại có rất ít doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đào lò than nên Công ty Việt Hồng trúng nhiều gói thầu tại than Vàng Danh là điều dễ hiểu bởi họ có đủ năng lực.
Về vấn đề này, một vị chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu (đề nghị không nêu tên) đánh giá: "Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 đã lược bỏ nội dung chi tiết về nhân sự chủ chốt để bớt rào cản cho nhà thầu, nhưng nhà thầu phải đảm bảo được với chủ đầu tư có thể điều động được nhân sự chủ chốt bất cứ khi nào cần thiết.
Đây là lợi thế rất lớn cho nhà thầu bởi một vị trí chỉ huy trưởng có thể tham gia cùng lúc nhiều gói thầu nhưng lại là điểm rất đáng cân nhắc đối với chủ đầu tư. Bởi không ai biết trước sự cố gì sẽ xảy ra trong thi công và nhà thầu có thể chắc chắn điều động được nhân sự chủ chốt đến công trình để xử lý ngay lập tức hay không?".
Lỗi font chữ hồ sơ mời thầu do… ở vùng sâu?
Qua công tác trao đổi với PV, ông Ngô Văn Khiêm liên tục nhắc tới hiện nay tổ chuyên gia đấu thầu của than Vàng Danh đang thực hiện theo quy định mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Tuy nhiên việc đăng tải thông tin Hồ sơ mời thầu của than Vàng Danh lại chưa thực hiện theo đúng Thông tư này.
Cụ thể, Gói thầu số 2 và Gói thầu số 18, tại Chương V - Yêu cầu kĩ thuật, hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư đã không dùng phông chữ tiêu chuẩn khiến nhiều đoạn văn bản Word bị mã hóa thành các ký tự, thiếu từ hoặc sai chính tả.
Ông Ngô Văn Khiêm cho rằng: "Chúng tôi là những người vùng sâu, vùng xa không giỏi về máy tính. Do khi xây dựng hồ sơ mời thầu mỗi người làm một công đoạn khác nhau, có thể lỗi này là do anh em cop (ý là copy văn bản - PV) nhưng chúng tôi không thấy có nhà thầu nào kêu cả. Còn nếu họ phản hồi mà chúng tôi không sửa chúng tôi mới sai. Khi làm hồ sơ rất nhiều các bên tham gia mỗi bộ phận làm một tí rồi ghép vào, mấy ông kỹ thuật có tuổi đôi khi họ làm mà về mình cũng không để ý nữa."
Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Dương Văn Phúc cho biết: “Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT Quy định về định dạng của tệp tin (file) đính kèm khi đăng tải hồ sơ lên mạng đấu thầu Quốc gia, trong đó Khoản 1: Tệp tin (file) đăng tải lên Hệ thống phải bảo đảm: Các file mở, đọc được bằng các phần mềm thông dụng như: các phần mềm đọc, soạn thảo văn bản MS Office hoặc Open Office; các phần mềm đọc file PDF; các phần mềm thiết kế thông dụng như AutoCad, Photoshop; phần mềm đọc file ảnh tích hợp sẵn trên Hệ điều hành Windows. Các file sử dụng phông chữ thuộc bảng mã Unicode”.
Như vậy có thể đánh giá rằng E-HSMT của than Vàng Danh có file đính kèm không hợp lệ do đăng tải lên mạng đấu thầu Quốc gia không dùng phông chữ thuộc bảng mã Unicode và các file này không được xem xét và đánh giá”.
Về giải pháp xử lý tình huống nêu trên, luật sư Phúc cho rằng: “Quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Đấu thầu 2013, hủy thầu được áp dụng trong trường hợp HSMT không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án nếu được thông báo để hoàn thiện, sửa đổi bổ sung hồ sơ nhưng không thực hiện.
Còn tại Điều 18 Luật Đấu thầu 2013 quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 luật này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Cùng đưa quan điểm về vấn đề này, ông Ngô Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Thanh Tuấn cho rằng: “Việc hồ sơ mời thầu bị lỗi phông chữ sẽ khiến các nhà thầu không thể tiếp cận được với yêu cầu kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra. Gói thầu được đấu thầu trên mạng đấu thầu Quốc gia, trong khi hồ sơ mời thầu lỗi phông chữ, vậy vì sao công ty Việt Hồng vẫn có thể tiếp cận hồ sơ mời thầu mà lại trúng được thầu? Tôi nghĩ đây là những điều rất bất thường cần phải làm rõ”.
Nợ tăng mạnh, công ty Việt Hồng chìm trong thua lỗ
Công ty TNHH Xây dựng Công trình mỏ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) thành lập ngày 26/5/2005 tại số 474 đường Bãi Muối tổ 76 khu 8, phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với người đại diện pháp luật là bà Lê Thu Hiền.
Từ năm 2017 đến 2021, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 4,8 tỷ đồng (năm 2017), 4,9 tỷ đồng (năm 2018), 3,3 tỷ đồng (năm 2019), 3,2 tỷ đồng (năm 2020) và 2 tỷ đồng (năm 2021).
Tại công ty Việt Hồng, vốn thấp nhưng nợ lại rất cao. Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của công ty lên đến 65,8 tỷ đồng, cao gấp 32,9 lần vốn chủ sở hữu. Trước đó, từ 2017 đến 2020, tỷ lệ nợ/vốn tại Việt Hồng lần lượt là 2,5 lần (năm 2017), 6,7 lần (năm 2018), 7,8 lần (năm 2019) và 20,2 lần (năm 2020).
Có thể thấy tỉ lệ nợ/vốn tại Việt Hồng có xu hướng tăng mạnh theo thời gian.
Quy mô vốn của công ty thấp một phần đến từ việc công ty thua lỗ triền miên dù doanh thu đang có xu hướng tăng, đạt hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2017, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Việt Hồng chỉ là 13,3 tỷ đồng. Sau đó, chỉ tiêu này tăng mạnh lên 40,3 tỷ đồng (năm 2018), 33,3 tỷ đồng (năm 2019), 77,2 tỷ đồng (năm 2020) và 72,6 tỷ đồng (năm 2021).
Như vậy, sau 5 năm, doanh thu của Việt Hồng tăng 59,3 tỷ đồng, tương đương 446%. Thế nhưng, công ty lại chìm trong thua lỗ.
Trong năm 2017 khi doanh thu ở mức thấp nhất giai đoạn 2017-2021 thì công ty có lãi tí hon 7,1 triệu đồng. Sau đó, công ty lãi 31,7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, Việt Hồng liên tục thua lỗ với các khoản lỗ 1,5 tỷ đồng (năm 2019), lỗ 223 triệu đồng (năm 2020) và 219 triệu đồng (năm 2021).