Các nhà kinh tế nhận định rằng Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để tiến hành cải cách và tạo ra những thay đổi tích cực, và Bắc Kinh cần phải chấp nhận nhiều thay đổi để có thể phát triển kinh tế một cách bền vững.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ đối mặt với nhiều rủi ro
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 của Trung Quốc tăng trưởng 7,4%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% năm 2015 và 6,25% năm 2016.
Đó là vẫn là một con số đáng mơ ước của nền kinh tế có quy mô 10 nghìn tỷ USD, vì thế rất ít nhà kinh tế cho rằng có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, rất ít người tin rằng kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi nhanh chóng, bởi chính quá trình cải cách phần nào có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng.
"Không may là trong năm nay, chúng ta vẫn chưa thể thấy đáy (của chu kỳ tăng trưởng). Tăng trưởng sẽ trở nên ổn định hơn, nhưng rất khó đánh giá cho năm sau bởi điều đó còn phụ thuộc vào những tiến bộ trong điều chỉnh cơ cấu," Wang Jun, nhà kinh tế tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho biết.
Mặc dù Bắc Kinh đã liên tiếp cắt giảm lãi suất và khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, song những biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian vừa qua khiến giới phân tích cho rằng chính phủ nước này sẽ tiếp tục phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế, bên cạnh những chỉ dấu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang thiếu động lực hoặc có dấu hiệu xấu hơn trong năm 2015. Sản lượng công nghiệp sụt giảm, sức ép giảm phát gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa và nước ngoài yếu.
Tỷ lệ thất nghiệp dù ở mức thấp 4%, song ngay cả các quan chức Trung Quốc cũng bày tỏ sự nghi ngờ về độ tin cậy của con số này. Các khảo sát độc lập cho thấy sức ép thất nghiệp đang gia tăng và chính quyền địa phương đang tìm cách bảo vệ việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước.
Các cuộc khảo sát cho thấy sự căng thẳng do tình trạng thất nghiệp đang gia tăng, và chính quyền địa phương đang có những động thái nhằm bảo đảm việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước.
Theo thông tin chính thức của chính phủ, nợ xấu vẫn ở trong tầm kiểm soát 2%, nhưng giới phân tích tin rằng tỷ lệ thực tế cao hơn nhiều, vì nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay nợ trên thị trường tín dụng đen.
Báo chí Trung Quốc mới đây đăng tải dự báo cho rằng sự phục hồi kinh tế sẽ theo hình chữ L, không phải hình chữ V. Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để phục hồi bền vững, Trung Quốc cần có những cải cách sâu sắc hơn.
Bắc Kinh hiện đang mắc kẹt trong hai cải cách. Thứ nhất, là những cải cách nhằm xóa bỏ nguồn gốc của sự mất cân bằng, đồng nội tệ bị định giá thấp, các sức ép tài chính và mức tăng lương. Thứ hai là chuyển đổi nền kinh tế dựa trên đầu tư sang tiêu thụ nội địa. Nếu đầu tư giảm xuống, sức ép thất nghiệp sẽ tăng, đồng thời kéo tiêu dùng chậm lại. Đây chính là vấn đề khiến Trung Quốc “đau đầu” tìm cách giải quyết.
Những thách thức hiện nay của kinh tế Trung Quốc xuất phát nhiều từ việc bong bóng địa ốc của nước này “xì hơi”. Mấy năm qua, Bắc Kinh áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản nhằm dịch chuyển vốn từ thị trường này sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Thị trường bất động sản đi xuống đã ảnh hưởng bất lợi tới các ngành nghề như sắt thép, kính và nội thất, đồng thời làm suy giảm nguồn thu của các địa phương phụ thuộc vào việc bán đất. Đến nay, thị trường nhà đất suy giảm tiếp tục là một rào cản tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
“Hiện có 55 triệu ngôi nhà bị bỏ trống ở Trung Quốc”, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Nicholas Lardy nói. “Những ngôi nhà này không hề đem lại ích lợi gì cho nền kinh tế”.
Khối nợ khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc cũng khiến việc kích thích đầu tư cho sản xuất trở nên khó khăn hơn. Đối mặt với nhu cầu tiêu dùng yếu và lãi suất thực tế cao, các doanh nghiệp tư nhân muốn trả bớt nợ hơn là đầu tư tăng công suất.
Phương Anh (TH)