Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới nhận định Thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh (Olympic 2016) có thể sẽ không giúp kinh tế của Brazil tăng trưởng.
Kể từ khi Rio de Janeiro giành được quyền đăng cai Olympic 2016 năm 2009, Brazil đã đi từ trạng thái bùng nổ đến vỡ nợ. Một năm sau, tăng trưởng kinh tế Brazil tụt xuống 3,8% từ mức 7,5%.
Ước tính, Brazil có thể lỗ khoảng 6 tỷ USD sau Olympic 2016
Vào thời điểm năm 2009, kinh tế Brazil được so với các cường quốc kinh tế như Nga, Ấn Độ,... Tuy nhiên hiện tại, cùng một lúc, nước này phải đối mặt với hàng loạt “cơn gió ngược”, từ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, đến dịch Zika...
Kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8% trong năm ngoái, và dự báo tiếp tục suy giảm 3,2% trong năm nay.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cũng giống nhiều quốc gia trên thế giới, người dân Brazil rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo Reuters, Olympic 2016 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền Rio de Janeiro đã phải vắt kiệt tài chính trang trải cho công tác chuẩn bị sự kiện này, để rồi buộc Chính phủ Brazil cũng phải vào cuộc “gánh vác” cùng, khiến cho tình trạng tài chính nước này càng trầm trọng hơn. Chi phí cho sự kiện này được ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD.
Nhiều dự đoán cho rằng, doanh thu từ phòng vé sẽ không bù lại được các khoản chi cho thế vận hội. Ủy ban Olympic Brazil dự định phát hành 7,5 triệu vé vào cửa, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 6,1 triệu vé vì nhiều hạng mục công trình đã bị thu nhỏ hơn so với dự kiến trong quá trình xây dựng do thiếu vốn. Bên cạnh đó, với hơn 400 hộ gia đình Rio phải di dời trong quá trình chuẩn bị, những hệ lụy về kinh tế hậu Olympics sẽ còn phức tạp.
Theo đánh giá mới đây của các nhà phân tích tại ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, “trong phần lớn các trường hợp, các nước đăng cai tổ chức Olympic sẽ bị thua lỗ, ngay cả khi tính đến các lợi ích kinh tế trong dài hạn”.
Tờ Global & Mail ước tính, Brazil có thể lỗ khoảng 6 tỷ USD sau Olympic 2016 và thậm chí còn có thể nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Brazil Mauricio Santoro cho rằng, cuộc khủng hoảng này không phải do Olympic mà đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Đó là kết quả của sự yếu kém trong quản lý, chi tiêu quá mức và lãng phí của Chính phủ, Olympic chỉ như “giọt nước tràn ly”.
Phương Anh