Đươc biết, CTCP Hoa Sen Vân Hội là công ty con của Tập đoàn Hoa Sen, được thành lập vào giữa năm 2016 với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 70% vốn góp, 2 cổ đông khác là CTCP Du lịch Hoa Sen và đại gia Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen sở hữu 30%.
Công ty này được thành lập để triển khai dự án bất động sản, dịch vụ và du lịch đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen, đó là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, nằm trên địa phận hai xã Việt Cường và Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích quỹ đất lập quy hoạch là 1.346 ha, được thiết kế gồm: khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự cao cấp, khu du lịch…
Lý giải việc lựa chọn địa điểm triển khai dự án bất động sản quy mô lớn đầu tiên của Tập đoàn, ông Vũ cho biết, Đầm Vân Hội hội tụ được các yếu tố khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và tâm linh.
Vào thời điểm công bố quy hoạch dự án này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen từng trả lời rằng: "Cơ hội thị trường sẽ giải quyết tất cả! Đây là thời điểm tốt nhất, tốt hơn bao giờ hết để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Nếu chúng tôi không làm bây giờ thì sẽ không bao giờ có cơ hội tốt hơn thế".
Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến nay Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội vẫn còn dở dang và Tập đoàn Hoa Sen đã quyết định từ bỏ “miếng bánh béo bở” bằng việc giải thể Công ty Hoa Sen Vân Hội.
Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội
Được biết, đây không phải đầu tiên Hoa Sen gặp thất bại khi đầu tư vào BĐS mà từ trước đó năm 2009 tập đoàn này đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực địa ốc. Khi đó, Hoa Sen đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở Quận 9 (TP.HCM), dự án đầu tiên Hoa Sen đầu tư có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng là một chung cư 18 tầng. Tiếp sau đó 2 năm thì Hoa Sen tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại Quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside.
Ngoài ra, định hướng phát triển lâu dài của Hoa Sen là tiếp tục mở rộng đầu tư BĐS và tham vọng trở thành tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, rơi đúng giai đoạn thị trường bất động sản TP.HCM khủng hoảng, trầm lắng khiến Tập đoàn Hoa Sen đã tính chuyện rút lui. Đến 2011 thì tập đoàn Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng, để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là thép.
Hoa Sen đã chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án BĐS và 1 dự án logistics – dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen đang xây dựng dở dang. Tính đến hết năm 2011, tổng vốn Hoa Sen đã giải ngân cho 4 dự án dự định chuyển nhượng là 186,98 tỉ đồng.
"Con nợ" gần tỷ đô
Thời gian gần đây, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đang trải qua giai đoạn trực kỳ khó khăn do mất cân đối tài chính. Từ một doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôn” với thị phần áp đảo, ông lớn Hoa Sen đang phải "ngụp lặn" với khối nợ khổng lồ chiếm đến 78% cơ cấu nguồn vốn.
Theo báo cáo tài chính quý III, niên độ 2017-2018, Hoa Sen đang có khoản nợ phải trả lên tới gần 18.400 tỷ đồng, trong đó bao gồm gần 15.000 tỷ là nợ ngắn hạn. Trong nhóm cơ cấu nợ, nợ vay tài chính cũng chiếm đa số với 15.880 tỷ đồng, tương đương 86%. Khối lượng nợ vay tài chính khổng lồ khiến Hoa Sen phải chi ra hàng trăm tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi mỗi năm, bào mòn lợi nhuận của tập đoàn.
Trong niên độ tài chính vừa qua, Hoa Sen chỉ thu về gần 83 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng chưa tới 1/3 so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 3 quý niên độ 2017-2018 (từ 1/10/2017 đến 30/6/2018) lãi ròng của doanh nghiệp này đạt 512 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.
Ánh Phượng
Theo KD&PL