Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố BCTC hợp nhất Quý III/2018 với kết quả doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.864 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 3.990 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,2% và 49,2% so với Quý III/2017
Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt 11.957 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, giá vốn bán hàng lại giảm đáng kể so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 41% lên 6.051 tỷ đồng.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 282 tỷ đồng đạt 1.175 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên kết đạt 257 tỷ đồng, tăng 43% và lợi nhuận khác gần 2 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ACV trong 9 tháng đầu năm nay lần lượt đạt 6.122 tỷ đồng và 4.953 tỷ đồng, tăng 57,6% và 67,2% so với cùng kỳ năm 2017. Biên lợi nhuận gộp của ACV tăng từ 42% lên 51%.
Nguồn: BCTC hợp nhất Quý III/2018 ACV
Được biết, năm 2018 ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 16.029 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế tăng 9% và đạt 5.665 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, ACV đã hoàn thành 74,6% kế hoạch doanh thu và 87,4% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Lý giải về kết quả này, ACV cho biết doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty tăng là do sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng lên, cùng với đó là đơn giá dịch vụ được điều chỉnh tăng theo Quyết định 2345/QĐ-BGTVT.
Ngoài ra, còn do các khoản lãi chênh lệch tỷ giá, lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi tiền gửi ACV thu về từ đầu năm đến nay là hơn 1.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 750 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. trong khi đó, tiền lãi chênh lệch tỷ giá đơn vị này thu về cũng tăng mạnh đạt hơn 132 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ ở mức 82 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/9/2018, ACV có tổng tài sản đạt 53.554 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả tính đến cuối quý 3 là 23.606 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, bao gồm: nợ ngắn hạn đã tăng 19,2% lên 8.768 tỷ đồng và nợ dài hạn tăng 2,8% lên 14.837 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ dài hạn của doanh nghiệp này, có tới 14.726 tỷ đồng là vay nợ thuê tài chính dài hạn và chủ yếu là vay nợ ODA do Nhật Bản tài trợ.
Ngày 24/7/2018, ACV tổ chức Đại hội cổ đông bất thường miễn nhiệm ông Lê Mạnh Hùng, thành viên HĐQT ACV nghỉ hưu theo chế độ và bầu bổ sung ông Vũ Thế Phiệt là thành viên HĐQT ACV, kiêm Tổng giám đốc ACV nhiệm kỳ 2016-2020.
ACV được biết đến là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Hiện tại, ACV đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 Cảng hàng không nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân; góp vốn vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết.
ACV có vốn điều lệ 21.771.732.360.000 đồng, tương ứng 2.177.173.236 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/CP, trong đó, cổ phần Nhà nước nắm giữ 95,4%; các cổ đông khác nắm giữ 4,6%. |
Ánh Phượng
Theo SHTT