Kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng yếu kém, cần thiết thì giải thể

(Kinhdoanhnet) - Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: “Thời gian tới, dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải được kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tuy đã được “kích hoạt” từ cuối năm 2011,  tuy nhiên đến nay kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Sau gần 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” đến nay đã đạt được một số kết quả khả quan tuy nhiên hầu như các ngân hàng yếu kém đều lựa chọn phương án sáp nhập vào các ngân hàng chưa yếu kém để tránh sự đổ vỡ.

Sự hợp nhất của các ngân hàng ít nhất cũng tránh được sự sụp đổ của các ngân hàng liên quan, và tránh cho ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu như quá trình tái cơ cấu ngân hàng chỉ dựa vào việc sáp nhập các ngân hàng thì không ổn. Bởi thực tế cho thấy sau khi các ngân hàng được sáp nhập thì một vài ngân hàng đến giờ làm ăn vẫn “bết bát”. Thành ra, việc tái cơ cấu chỉ giống như là "rượu mới bình cũ". Còn "cơ thể" của ngân hàng chưa cải thiện được.

Nợ xấu của các ngân hàng thì ngày càng tăng cao bên cạnh đó theo thống kê chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2014, đã có trên 37.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động, điều này khiến cho các nhà băng lâm vào tình cảnh khó khăn hơn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể thực hiện đề án tái cơ cấu một cách triệt để và có hiệu quả thì nên cho các ngân hàng yếu kém giải thể đó là điều rất cần và rất nên thực hiện trong giai đoạn này.

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: “Thời gian tới, dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải được kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”.

Mới đây Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Trong bộ Luật này đã dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.

Kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng yếu kém, cần thiết thì giải thể
Kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng yếu kém, cần thiết thì giải thể.

Theo quy định, các chủ nợ như người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã đều có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán; hoặc trong trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng
Nhà nước nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đó.

Thêm vào đó, Luật cũng quy định Tòa án nhân dân sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng nhà nước mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán.

Như vậy có thể thấy Chính phủ đang “bật đèn xanh” và sẽ không có ngoại lệ cho bất cứ ngành nghề nào, kể cả ngân hàng, nếu kinh doanh không hiệu quả, yếu kém thì sẽ phải phá sản.

Mục tiêu tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong ngắn hạn và trung hạn là duy trì sự ổn định của hệ thống, đảm bảo khả năng thanh khoản và sự hoạt động liên tục của các ngân hàng... Trong dài hạn, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hướng đến các thay đổi căn bản trong từng ngân hàng và cả hệ thống cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống đỡ rủi ro, tăng cường cơ sở hạ tầng hệ thống và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các tổ chức kinh tế và công chúng.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục