Việc kiểm kê lần này sẽ làm rõ thực trạng sử dụng đất, cấp sổ đỏ của các dự án nhà ở thương mại trên cả nước Ảnh: Như Ý
PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Hải, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.
Thưa ông, tại sao đợt kiểm kê lần này lại tập trung vào các dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp cổ phần hóa và đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất nông lâm trường?
Đây là nhóm đối tượng thời gian qua có nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng đất, cần tập trung xử lý quyết liệt, để tránh thất thoát cho Nhà nước.
Nhóm đối tượng này sẽ được kiểm kê rất sâu. Với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ kiểm kê diện tích đất đang sử dụng, chưa sử dụng; đất sử dụng đúng mục đích, sử dụng vào mục đích khác; đất đang có tranh chấp, diện tích đất bị lấn chiếm, tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai (gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất), tình hình cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất.
Với dự án xây dựng nhà ở thương mại (dự án chưa hoàn thành, chưa bàn giao cho các đối tượng quản lý, sử dụng) sẽ kiểm kê diện tích đã giao, cho thuê đất; diện tích đang sử dụng đúng và không đúng mục đích; diện tích chậm tiến độ theo dự án đầu tư được duyệt; tình hình sử dụng căn hộ để ở tại dự án, tình hình cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Với đất nông lâm trường quốc doanh, kiểm kê sẽ làm rõ việc sử dụng đất không đúng mục đích được giao như tự ý chuyển sang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp hoặc bố trí làm nhà ở cho người lao động, diện tích đang cho thuê, cho mượn, diện tích để bị lấn, bị chiếm…
Nếu phát hiện sai phạm trong quá trình kiểm kê, cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
Ở báo cáo kiểm kê, chúng tôi sẽ có đề xuất, kiến nghị cụ thể với cơ quan quản lý, với chính quyền địa phương và người sử dụng đất.
Trường hợp quá trình thống kê ở địa phương phát hiện ra sai phạm thì cơ quan quản lý ở cấp tương đương có trách nhiệm xử lý. Chẳng hạn, cán bộ địa chính xã, khi kiểm kê một ô đất, phát hiện ô đất đó bị chuyển đổi mục đích sử dụng thì ngoài việc kiểm kê, UBND xã có quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu UBND huyện phát hiện ra sai phạm ở cấp xã trong quá trình kiểm kê có thể làm văn bản yêu cầu cấp xã giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, lưu ý là đợt này cho phép phát hiện các bất cập về sử dụng đất trong 5 năm qua. Số liệu thống kê, kiểm kê phục vụ việc xây dựng chiến lược, định hướng trong quản lý đất đai nên sẽ tập trung phát hiện các vướng mắc, bất cập lớn như hiệu quả sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất. Còn vụ việc cụ thể ở địa phương phải phát hiện, xử lý trong quá trình quản lý hằng ngày chứ không phải 5 năm mới làm một lần.
Việc kiểm kê tại mỗi cấp hành chính lại giao cho chính quyền cấp đó làm. Điều này có đảm bảo yêu cầu về minh bạch, khách quan trong quá trình kiểm kê?
Các văn bản quy phạm quy định việc kiểm kê ở cấp nào sẽ giao cấp đó thực hiện. Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn cách thức kiểm kê đảm bảo minh bạch, đúng quy định.
Ngoài giải pháp kiểm kê, chúng tôi có giải pháp kiểm tra, ví dụ cấp xã kiểm kê thì cơ quan cấp trên có huyện, tỉnh, trung ương kiểm tra. Cơ quan kiểm tra cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cấp dưới. Nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý. UBND các huyện, tỉnh sẽ lập các đoàn kiểm tra về kiểm kê đất đai.
Tổng cục Quản lý Đất đai cũng lập các đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra tất cả các cấp từ xã, huyện, tỉnh, dùng nhiều hình thức như trực tiếp đi thực địa cùng địa phương, kiểm tra việc sử dụng bản đồ, đối chiếu bản đồ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ kiểm tra bằng cách dùng hệ thống công nghệ thông tin, máy tính điện tử để tổng hợp số liệu, đối chiếu, thậm chí dùng cả công nghệ vệ tinh và viễn thám để đối chiếu kết quả.
Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý Đất đai sẽ bắt đầu từ tháng 10/2019 đến khoảng tháng 4/2020. Dự kiến việc kiểm kê đất đai toàn quốc sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020.
Số hóa toàn bộ dữ liệu đất đai
Theo ông Bùi Văn Hải, quá trình kiểm kê đất đai sẽ sử dụng công nghệ thông tin từ việc cập nhật số liệu, xây dựng bản đồ kiểm kê, truyền dữ liệu về trung ương đến tổng hợp dữ liệu, xây dựng bản đồ hiện trạng. Nhờ đó, sẽ số hóa được toàn bộ dữ liệu đất đai hiện có. Sau quá trình kiểm kê, một bản đồ hiện trạng trực quan sử dụng đất sẽ được xây dựng. Nhìn vào đó sẽ dễ dàng nhận thấy đâu là đất lúa, đất rừng, đất ở. Sau khi bản đồ này được xây dựng, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật. |
Theo Nguyễn Hoài/Tienphong