‘Khủng’ như Vạn Phúc Group của đại gia Phạm Văn Đường

Tại thời điểm 31/12/2019, có 6/8 thành viên của Vạn Phúc Group sở hữu khối tài sản nghìn tỉ, nổi bật là CTCP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc với quy mô tổng tài sản 12.119,6 tỉ đồng, cao gấp 20,4 lần vốn chủ sở hữu.

Ông Phạm Văn Đường - Chủ tịch HĐQT Vạn Phúc Group
Ông Phạm Văn Đường - Chủ tịch HĐQT Vạn Phúc Group

Thành lập từ năm 1995, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc (Vạn Phúc Group) tiền thân là Tập đoàn Bất động sản Đại Phúc, được biết đến là một trong những tập đoàn bất động sản có thâm niên và quy mô lớn tại Tp. HCM.

Trên trang chủ, tập đoàn này cho biết đang sở hữu quỹ đất rộng 400ha tại Tp. HCM, trong đó hơn một nửa đã được bàn giao cho khách hàng ở một số dự án như: Khu đô thị Vạn Phúc (198ha), Khu dân cư Dương Hồng (12ha), Dai Phuc Green Villas (28ha) và Dai Phuc River View (29ha).

Vạn Phúc Group có 8 công ty thành viên, đều đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại toà Đại Phúc Tower ở số 617 – 621 Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. HCM. Một số thành viên do các nhân sự chủ chốt của Vạn Phúc Group trực tiếp đứng tên góp vốn, là cổ đông sáng lập.

Vạn Phúc Group lớn cỡ nào?

Theo dữ liệu của VietTimes, tính đến ngày 31/12/2019, có tới 6/8 thành viên của Vạn Phúc Group sở hữu khối tài sản nghìn tỉ đồng. Trong đó, nổi bật là CTCP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc (Vạn Phúc) với quy mô tổng tài sản lên tới 12.119,6 tỉ đồng.

Vạn Phúc được thành lập từ tháng 4/2006, đứng đầu là ông Phạm Văn Đường trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), còn vị trí Tổng Giám đốc do ông Lê Văn Minh đảm nhiệm. Bộ đôi doanh nhân sinh năm 1958 cũng lần lượt đảm nhiệm các vị trí tương tự tại Vạn Phúc Group.

Các dự án của Vạn Phúc Group gần như chiếm trọn 'bán đảo' giáp sông Sài Gòn tại phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, TP. HCM
Các dự án của Vạn Phúc Group gần như chiếm trọn 'bán đảo' giáp sông Sài Gòn tại phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, TP. HCM

Vạn Phúc là chủ đầu tư dự án khu nhà ở Vạn Phúc 2 và Vạn Phúc 3 tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp. HCM. Trong đó, riêng dự án khu nhà ở Vạn Phúc 2 được một ngân hàng tư nhân trong nước định giá lên tới 3.978,9 tỉ đồng.

Tháng 5/2019, Vạn Phúc mua lại một phần dự án Khu nhà ở Công ty Đại Nhân tại phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, TP. HCM, có ký hiệu PKA, PKB, PKC, PKD, PKE, PKF, PKG (G39-G62), diện tích khoảng 40.183 m2, từ một thành viên khác cùng nhóm là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Đại Nhân.

Phần dự án này cũng được nhà băng tư nhân nêu trên định giá ở mức 2.611,9 tỉ đồng. Mà đó mới chỉ là một phần nhỏ, chiếm khoảng 13% tổng diện tích 297.928 m2 của dự án Khu nhà ở Công ty Đại Nhân.

Khéo dùng đòn bẩy tài chính như CTCP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc
Khéo dùng đòn bẩy tài chính như CTCP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc

Xét theo báo cáo riêng lẻ, Vạn Phúc cũng là thành viên có kết quả kinh doanh nổi bật bậc nhất của Vạn Phúc Group.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, Vạn Phúc đều báo lãi, song tỉ suất sinh lời không đáng kể nếu so với doanh thu và quy mô tổng tài sản.

Năm 2018, công ty này ghi nhận doanh thu ở mức 496,3 tỉ đồng, tăng 1,56 lần so với năm 2017, báo lãi ròng vỏn vẹn 10,8 tỉ đồng – tương ứng với tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu ở mức 2,1%. Bước sang năm 2019, Vạn Phúc ghi nhận doanh thu thuần ở mức 464,7 tỉ đồng, lợi nhuận giảm gần một nửa so với năm 2018, đạt mức 5,8 tỉ đồng.

Các khoản lợi nhuận đem về của Vạn Phúc không đáng kể nếu so với quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Vạn Phúc lên tới 12.119,6 tỉ đồng, cao gấp 20,4 lần quy mô vốn chủ sở hữu. Gần một nửa nguồn vốn đến từ các khoản nợ vay dài hạn, đạt mức 6095,6 tỉ đồng tại ngày 31/12/2019.

‘Khủng’ như Vạn Phúc Group của đại gia Phạm Văn Đường - Ảnh 1

Nhiều thành viên khác của Vạn Phúc Group cũng có quy mô tổng tài sản cao gấp hàng chục lần so với vốn chủ sở hữu, như: CTCP Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Đại Nhân, CTCP Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc, CTCP Bất động sản Đại Phúc Land, CTCP Đầu tư và kinh doanh địa ốc Đông Nam, CTCP Thương mại Xây dựng Vạn Tín, CTCP Đầu tư kinh doanh địa ốc và dịch vụ thương du lịch Tân Hải.

Trong đó, CTCP Bất động sản Đại Phúc Land (Đại Phúc Land) được thành lập từ tháng 1/2017, quy mô vốn điều lệ ban đầu 25 tỉ đồng. Doanh nghiệp này được sáng lập bởi các ông Phạm Văn Đường (40% VĐL), Lê Văn Minh (30% VĐL) và Phạm Hồng Cầu (30% VĐL).

Ông Phạm Hồng Cầu (SN 1955) được biết đến là Phó Chủ tịch HĐQT Vạn Phúc Group, hiện đứng tên tại CTCP Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc (Đại Phúc). Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Đại Phúc đạt 2.950,3 tỉ đồng, cao gấp 7,7 lần vốn chủ sở hữu.

CTCP Thương mại Xây dựng Vạn Tín được thành lập từ tháng 10/2015, với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 3 tỉ đồng. Công ty này có 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: ông Phạm Hồng Cầu (30% VĐL), ông Lê Văn Minh (30% VĐL) và ông Phạm Duy (40% VĐL).

Ông Phạm Duy (SN 1980) có cùng địa chỉ thường trú với ông Phạm Văn Đường – Chủ tịch Vạn Phúc Group, và ông Phạm Danh (SN 1989) – người từng thay ông Đường đảm nhiệm vị trí cấp cao tại công ty Vạn Phúc trong một khoảng thời gian ngắn. Các ông Phạm Duy và Phạm Danh được biết tới là Phó Tổng Giám đốc của Vạn Phúc Group.

Về dự án Vạn Phúc Riverside

Tháng 1/2004, UBND TP. HCM có quyết định số 256/QĐ-UB giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế Quận 6 hơn 198ha để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, Tp. HCM

Sau đó, UBND TP.HCM cho rằng cho Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế Quận 6 không có điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án nên đã ban hành quyết định số 5222/QĐ-UBND (ngày 15/11/2006), với nội dung điều chỉnh, giao dự án lại cho Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc (nay là CTCP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc) là đơn vị nhận chuyển giao dự án từ Công ty Xây dựng và phát triển kinh tế Quận 6 để thực hiện xây dựng hạ tầng chung dự án và thực hiện dự án thành phần (đầu tư xây dựng khu nhà ở).

Về tay Vạn Phúc Group, dự án Vạn Phúc Riverside ra đời, có diện tích hơn198 ha và được chia nhỏ thành nhiều dự án thành phần./.

 

PV

Theo Viettimes
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục