Không thể đòi hỏi Luật Kinh doanh BĐS tác động ngay lập tức đến thị trường
Sau thời gian dài rơi vào khủng hoảng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sắp có nhiều chính sách thông thoáng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, hứa hẹn đem tới một chu kỳ mới tươi sáng hơn. Giới đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp đang nóng lòng chờ đợi sắc Luật này sẽ có tác động mạnh mẽ, tiếp tục tháo gỡ những nút thắt của thị trường BĐS nhằm thúc đẩy thị trường này hồi phục và phát triển.
Những đánh giá tích cực của các doanh nghiệp nghiêng về những cải thiện của hệ thống khuôn khổ luật pháp, chính sách dành cho thị trường BĐS. Quốc hội đã thông qua hai dự luật quan trọng là Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi góp phần giải quyết những bất bình đẳng lâu nay giữa tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trong đó, việc nới lỏng điều kiện sở hữu BĐS tại Việt Nam cho cá nhân nước ngoài đã tạo nên sự hứng khởi trong doanh nghiệp châu Âu nói riêng cũng như giới đầu tư nói chung. Theo bà Connolly, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc cởi bỏ dần sự bất bình đẳng, các khó khăn vốn đã hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS trong thời gian qua.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo rằng, đòn bẩy chính sách không phải "chiếc đũa thần" cho thị trường BĐS. Theo đó, ông Nguyễn Nguyên Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn TCF Việt Nam cho rằng, tác động của chính sách vào thị trường BĐS chắc chắn sẽ cần khoảng thời gian khá dài để đi vào cuộc sống. Chúng ta không thể đòi hỏi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi tác động ngay lập tức đến thị trường BĐS.
Ông Trần Khánh Quang, TGĐ Công ty Việt An Hòa đánh giá: "Các luật sửa đổi sắp có hiệu lực vào 1/7/2015 với nhiều điểm mới sẽ tác động tích cực đến các chủ thể tham gia vào thị trường BĐS nhưng đây không phải là chiếc đũa thần màu nhiệm".
Theo phân tích của ông Quang, chính sách hiện nay bảo vệ người mua nhà nhiều hơn, nâng cao tính minh bạch của chủ đầu tư và đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn đối với các nhà môi giới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho đối tượng nhà đầu tư nước ngoài hấp dẫn như "mỡ treo trước miệng mèo". Tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tiễn thì cần tối thiểu từ 6 tháng đến một năm nữa.
Theo chuyên gia này, khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm chờ đợi này gọi là khoảng thời gian "đệm" để các thông tư hướng dẫn (nhiều khả năng là thông tư liên tịch của nhiều bộ ngành) giải thích cụ thể cách thực hiện hàng loạt quy định. Chính sách bao giờ cũng có độ trễ nhất định, để chạm đến những vấn đề cụ thể trong thực tế cuộc sống, do đó, nó cần được mổ xẻ ở nhiều khía cạnh, kiến nghị thêm nhiều giải pháp.
"Chúng ta không nên quá ảo tưởng hay kỳ vọng vào kịch bản chỉ toàn màu hồng mà cần tỉnh táo để đón nhận thời cơ và cả những thách thức của chính sách mới. Nên hiểu rằng, nếu ưu đãi bất hợp lý cũng có thể gây ra không ít trở ngại", ông Quang khuyến cáo.
Vị lãnh đạo này nhấn mạnh: "Chúng ta cần hiểu rằng chính sách không thể làm thay đổi diện mạo thị trường BĐS một cách nhanh chóng và mạnh mẽ". Nếu muốn có những tác động đột biến thì phải có sự tăng trưởng GDP vượt bậc và trong ngắn hạn, điều này đối với Việt Nam vẫn chưa khả thi. Ông Thái cho rằng, Việt Nam hiện vẫn là nước có GDP ở mức khiêm tốn, cần thêm thời gian để GDP tăng trưởng tốt hơn. Thêm nữa, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các chính sách thẩm thấu vào thị trường nhiều hơn. Sự tăng trưởng kinh tế kết hợp với chính sách mới chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS.
Trong khi đó, ông NGuyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch HĐQT Jen Capital nêu quan điểm: "Nếu chỉ có chính sách không thôi thì không đủ khả năng làm nên chiếc đũa thần khuấy động thị trường BĐS Việt Nam".
Theo phân tích của ông Trân, chính sách chỉ là cơ sở nền tảng, còn để khuấy động thị trường thì cần phải có sự tham gia của nhiều yếu tố. Trong đó, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc áp dụng các chính sách này một cách nhanh chóng, công bằng và rõ ràng. Ngoài ra, các nhà đầu tư và phát triển BĐS cần tuân thủ luật chơi để tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, sự hiểu biết và lựa chọn đúng của người tiêu dùng cùng với cam kết của các ngân hàng về nguồn tài chính cho doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tác động sâu rộng đến thị trường.
"Tôi đánh giá cao Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, tuy nhiên cũng cần thấy rằng, rất khó để các luật này thật sự đi vào thực tiễn và phát huy tính hiệu quả trong thời gian ngắn", ông Trân nhận định.
Theo vị chuyên gia này, chỉ còn vài tuần nữa là đến thời hạn các quy định mới chính thức có hiệu lực, thế nhưng các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành vẫn chưa được triển khai cụ thể. Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, ngân hàng vẫn đang tự mình chuẩn bị các thủ tục để có thể triển khai. Đơn cử, việc cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua nhà vẫn còn rất mơ hồ về các quy định triển khai. Mỗi nơi quy định và làm theo một cách khác nhau, trong khi đó, các ngân hàng và các doanh nghiệp BĐS vẫn còn đang chờ thông tư hướng dẫn về việc bảo lãnh.
Để Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đi ngay vào cuộc sống, ông Trân cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm ban hàng thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với từng trường hợp để doanh nghiệp, khách hàng và nhà đầu tư có thể triển khai ngay.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Vnexpress, Đầu tư BĐS)