Ấn Độ đã ban hành các quy định mới đối với Facebook nói riêng và các nền tảng mạng xã hội nói chung. Lần này, công ty của Mark Zuckerberg đã có một phản ứng hết sức mềm mại.
Quy định của Ấn Độ được ban hành chỉ vài ngày sau khi Australia buộc Facebook và Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản để sử dụng tin tức của họ. Vài tuần trước đó, Chính phủ Ấn Độ cũng gây áp lực để Twitter gỡ bỏ các tài khoản mà nhà chức trách cho là kích động bạo lực, điều mà mạng xã hội này chỉ đáp ứng một phần và thổi bùng lên căng thẳng.
Theo các quy định mới, bất cứ công ty truyền thông xã hội nào cũng phải tạo ra 3 vai trò ở Ấn Độ: Một viên chức tuân thủ - đảm bảo việc chấp hành luật pháp và một người giải quyết các khiếu nại từ người dùng Ấn Độ về nàn tảng của họ. Ngoài ra, họ còn phải đóng vai trò "người liên hệ", sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu từ cơ quan thực thi pháp luật 24/7.
Cuối cùng, các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube… phải nộp báo cáo hàng tháng về sự tuân thủ của mình. Trong báo cáo, họ phải nêu chi tiết lượng khiếu nại mà họ nhận được cũng như các hành động mà họ đã thực hiện. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cũng bị buộc phải gỡ những hình ảnh khiêu dâm hoặc hình ảnh giả mạo.
Chính phủ cho biết các mạng xã hội lớn mà họ xác định dựa trên lượng người dùng sẽ có 3 tháng để tuân thủ các chính sách. Những mạng xã hội nhỏ hơn phải tuân thủ các quy định này ngay lập tức.
Động thái ở Ấn Độ cho thấy các nước trên thế giới đang mạnh tay kiềm chế các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook hay Twitter. Trước đó, cả Google và Facebook đều đã phải xuống nước khi Australia quyết tâm đẩy mạnh luật hóa việc bắt buộc họ phải trả tiền cho các nhà xuất bản.
Việc Facebook trả đũa bằng việc chặn chia sẻ tin tức trên toàn bộ Australia đã khiến mạng xã hội này hứng chịu những chỉ trích trên quy mô toàn thế giới. Ấn Độ là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ động thái của Chính quyền Australia.
"Truyền thông xã hội được hoan nghênh để kinh doanh ở Ấn Độ. Họ đã làm rất tốt. Họ mang lại công việc, có được số người dùng và trao quyền cho những người Ấn Độ bình thường", Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng điện tử và thông tin của Ấn Độ, cho biết. Tuy nhiên, vị Bộ trưởng này cũng nhấn mạnh các công ty công nghệ cần phải làm nhiều hơn để chống lại việc lạm dụng trên nền tảng của họ.
Chia sẻ với CNN, Facebook cho biết họ sẽ "nghiên cứu kỹ lưỡng" các quy định mới của Ấn Độ. "Với tư cách của một công ty, chúng tôi hoan nghênh những quy định mà trong đó mở ra hướng giải quyết cho những vấn đề nan giải nhất hiện nay trên Internet. Facebook là đồng minh của Ấn Độ và chương trình nghị sự về an toàn và bảo mật người dùng là một trong những điểm quan trọng với các nền tảng của chúng tôi", đại diện Facebook nói.
Trong khi đó, Twitter và Google, công ty sở hữu YouTube, không ngay lập tức phản hồi thông tin của truyền thông.
Ngoài những vấn đề đã nêu, quy định mới của Ấn Độ còn có vài điều khoản khác khiến các gã khổng lồ công nghệ "đau đầu", đặc biệt là quy định truy tìm người khởi tạo đầu tiên của các tin nhắn hoặc bài đăng có vấn đề. WhatsApp, ứng dụng nhắn tin di động của Facebook cực kỳ phổ biến ở Ấn Độ, từng chống lại yêu cầu này trong quá khứ vì cho rằng nó sẽ phá vỡ chuỗi mã hóa của ứng dụng.
Bộ trưởng Prasad còn chỉ ra sự "thiên vị" của các mạng xã hội giữa những sự kiện tương đồng ở Mỹ và ở Ấn Độ. Trong cuộc bạo loạn Đồi Capitol, Twitter đã ngay lập tức chặn các tài khoản kích động bạo lực, thậm chí, chặn cả Tổng thống Trump nhằm vãn hồi trật tự. Trong khi đó, khi cảnh sát và người biểu tình Ấn Độ đụng độ tại Pháo đài Đỏ ở New Delhi vào vài tuần sau đó, Twitter đã hành động chậm trễ.
"Trong cuộc tấn công vào Đồi Capitol, các mạng xã hội ủng hộ hành động của cảnh sát. Tuy nhiên, khi Pháo đài Đỏ, biểu tượng tự do của Ấn Độ, bị tấn công, thì họ lại làm khác. Có một tiêu chuẩn kép ở các mạng xã hội này. Điều đó là không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Prasad tuyên bố.
Động thái mạnh tay của Ấn Độ tạo ra thách thức đặc biệt cho Thung lũng Silicon ở quốc gia Nam Á này. Không chỉ mang tầm khu vực, Ấn Độ có lẽ còn là thị trường lớn nhất mà các công ty Mỹ có thể hướng tới sau khi Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn với các mạng xã hội nước ngoài.
Ấn Độ dường như hiểu rất rõ về giá trị của mình. Trong cuộc họp báo ngày 25/2, Bộ trưởng Prasad trích dẫn các số liệu cho thấy quốc gia này quan trọng như thế nào: WhatsApp có 530 triệu người dùng ở Ấn Độ trong khi Facebook có 410 triệu người dùng. Instagram, một nền tảng khác thuộc sở hữu Fcebook, cũng có 210 triệu người dùng. Trong khi đó, YouTube và Twitter cũng có khoảng 450 triệu và 17,5 triệu người dùng ở Ấn Độ.
Việc quốc gia Nam Á này mạnh tay loại bỏ hàng loạt ứng dụng đình đám của Trung Quốc có thể sẽ khiến các ứng dụng phương Tây phải nghiêm túc dè chừng. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là một trong những nước mạnh về công nghệ và có những ứng dụng của riêng mình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của 1,3 tỷ dân trong trường hợp các ứng dụng nước ngoài bị cấm cửa.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết