Không chấp nhận “hàng giả”, “hàng nhái” trong lĩnh vực nhiếp ảnh

(KDPL) - Có nên coi các sản phẩm nghệ thuật là một loại hàng hoá tinh thần đặc biệt? Nếu vậy, liệu có những hàng giả, hàng nhái trong thị trường văn hoá nghệ thuật mà những người quản lý, định hướng nghệ thuật, các văn nghệ sĩ (người sản xuất) và người hưởng thụ văn hoá (người tiêu thụ) phải bày tỏ thái độ?

Có sản xuất, tiêu thụ, là có hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng giả ngày một nhiều khi nền kinh tế đa thành phần ra đời luôn thành mối quan tâm của người tiêu dùng, của các cấp quản lý thị trường, từ sản xuất đến cung cấp, tiêu thụ sản phẩm.

Có nên coi các sản phẩm nghệ thuật là một loại hàng hoá tinh thần đặc biệt? Nếu vậy, liệu có những hàng giả, hàng nhái trong thị trường văn hoá nghệ thuật mà những người quản lý, định hướng nghệ thuật, các văn nghệ sĩ (người sản xuất) và người hưởng thụ văn hoá (người tiêu thụ) phải bày tỏ thái độ?

Xin đi sâu vào lĩnh vực nhiếp ảnh.

Không chấp nhận “hàng giả”, “hàng nhái” trong lĩnh vực nhiếp ảnh - Ảnh 1
Viện Bảo tàng Louvre (Paris, CH Pháp). Ảnh Vũ Huyến

Giá trị thực của "hàng thật" (các tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc)

Rất nhiều bức ảnh đã có trên thế giới trở thành tài sản quý của nhân loại dù chúng ở bất cứ lĩnh vực nào: Báo chí tuyên truyền hay nghệ thuật, dù ở quốc gia nào, châu lục nào. Ở Việt Nam vài chục năm gần đây có thể nhắc đến các bức ảnh về Hà Nội xưa, cuộc sống người dân Việt trước Cách mạng tháng 8/1945 (lĩnh vực ảnh tài liệu) các bức ảnh đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước qua nhiều đợt, hình ảnh về Việt Nam trong chiến tranh do các nhà nhiếp ảnh nhiều phía chụp và lưu giữ được. Giá trị trước hết bởi nội dung thực có giá trị tài liệu lâu dài, được xã hội, nhiều thế hệ công nhận và sử dụng. Phần khác, không chỉ được người xem mà cả giới chuyên môn ngưỡng mộ bởi sự lao động cật lực, tận tụy bất chấp hiểm nguy của tác giả những tấm ảnh ấy. Trong hoàn cảnh chụp khó khăn, người chụp phải tận dụng những khoảnh khắc, các thiết bị có sẵn để thể hiện, chứng minh việc chụp ảnh là việc của người làm chứng, người biết vĩnh cửu các khoảnh khắc xảy ra trên trái đất, gây được lòng tin cho người xem ảnh. Lý do để nhiều nhà nghiên cứu về nhiếp ảnh và các lĩnh vực nghệ thuật hiện đại sưu tầm, tìm hiểu kỹ về tiểu sử, điều kiện sống và làm việc của các nhà nhiếp ảnh tác giả các tác phẩm ảnh là nhằm để trả lời câu hỏi: Họ đã tạo ra những hình ảnh có giá trị lớn ấy như thế nào?

Điều ấy cũng có nghĩa là nếu nhà nhiếp ảnh không có mặt tại nơi xảy ra sự kiện (như thấy trên ảnh) nếu nhân vật có trên ảnh chỉ là những người đóng thế, nếu cảnh và vật, màu sắc có trên ảnh được tạo ra từ một phương pháp nào đó, nếu câu chuyện được nhắc đến trên ảnh là do tác giả bịa đặt ra.v.v.. thì những ảnh như vậy phải bị coi là “hàng giả”, người tạo ra ảnh là người làm “hàng giả”. Tạo ra “hàng giả” bằng mọi thủ thuật liệu có là vi phạm đạo đức của văn nghệ sĩ, người sản xuất ra các sản phẩm văn hoá tinh thần?

Các lĩnh vực ảnh, chủ yếu như ảnh báo chí tân văn và ảnh nghệ thuật bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Thể loại ảnh đồ họa (mà ở Việt Nam còn gọi là ảnh ý tưởng) cũng như ảnh quảng cáo các sản phẩm công nghệ là loại ảnh khai thác tối đa hiệu quả của phần mềm photohop nhằm tác động mạnh, nhanh tới người xem. Các bức ảnh này không nhằm giới thiệu, xác định những gì có trên mặt phẳng bức ảnh là chuyện có thực. Thể loại ảnh này, được sử dụng trên các chương trình quảng cáo sản phẩm trên báo, tạp chí, trên mạng, trên truyền hình.v.v... nhưng nói chung chưa phổ biến ở Việt Nam.

Qua hàng chục cuộc thi nhiếp ảnh hàng năm ở các cấp độ khác nhau, nếu tính từ những năm 90 trở lại đây thì ở Việt Nam đã có tới vài trăm, gần ngàn cuộc trưng bày ảnh lớn nhỏ với các tiêu chí, thể lệ thi và sưu tầm ảnh khác nhau.

Ở Việt Nam những bức ảnh nổi tiếng thực, có giá trị dài lâu chưa thật nhiều. Những ảnh được người Việt Nam ưa thích, được Nhà nước vinh danh.v.v.. vốn không phải là các bức ảnh được chọn từ những lần thi cử. Xin nhắc lại là thời chống Pháp, chống Mỹ cứu nước hầu như không có hoặc rất ít các cuộc thi ảnh. Nếu có ảnh nào đó được giải quốc tế thì lúc sáng tác người chụp cũng không có mục tiêu để dự thi đoạt giải.

Vài trăm, gần ngàn cuộc trưng bày ảnh qua vài chục năm. Nếu mỗi cuộc trưng bày như thế có được dù chỉ một ảnh có giá trị lớn thì hẳn hôm nay ta đã có hàng ngàn bức ảnh "đi cùng năm tháng".

Đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước gần đây nhất năm 2015 với những trăn trở là không có nhiều bức ảnh đủ tầm để đưa vào xét nói lên điều gì nếu như không phải là tầm của các bức ảnh (mà người ta hay gọi là tác phẩm) còn thấp hoặc quá thấp, những ảnh nhạt quá nhiều. Nhạt về nội dung, kém hoặc chưa tới về cách diễn đạt.v.v.. là nỗi buồn cho người xem nhưng dù sao vẫn còn có thể chấp nhận được, cảm thông bởi đó là ảnh thật, là "hàng thật". Sẽ vô lối và không thể bỏ qua, cần phải phê phán nếu trong số đó có những “hàng giả”, “hàng nhái” mà người mang danh nghệ sĩ cố ý tạo ra để che mắt những người thẩm định, đánh lừa người xem.

Khác với hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm hay đồ dùng sinh hoạt, hàng giả có thể là hàng nhãn hiệu nổi tiếng nhưng ruột là hàng kém chất lượng được tạo từ các nguyên liệu rẻ tiền, hàng quá đát tái tạo lại.v.v... “hàng giả” nhiếp ảnh nhìn bề ngoài lại là thứ hàng trông rất thực, bắt mắt. Nói tóm lại, trên mặt phẳng tấm ảnh giả những gì thấy được đều tinh tế, đẹp từ bố cục, ánh sáng, đường nét, màu sắc .v.v..

Vì vậy mới khó phát hiện, vì đẹp nên dễ đoạt giải. Người biết có sự làm giả và cách làm giả không ai khác là người sản xuất (tức người chụp) và người thẩm định, biết là “hàng giả” nhưng đồng loã, liên danh với người làm “hàng giả”.

“Hàng giả” nhiếp ảnh càng trở nên khó bị phát hiện, lật tẩy và bị phê phán là vì thế?

Vi phạm các bản quyền nhiếp ảnh cũng liên quan đến đạo đức của văn nghệ sĩ (trong lĩnh vực nhiếp ảnh thì đó là người chụp ảnh).

Sự phát triển nhanh của kỹ thuật in, số lượng báo, tạp chí và nhu cầu thông tin đa dạng bằng ảnh ở các Thành phố, khu vực đã thúc đẩy nhanh việc chụp và phổ biến ảnh. Khi chưa có hệ thống tư liệu, lưu giữ và bảo quản đầy đủ, việc chụp và sử dụng ảnh còn rất tuỳ tiện thì sự nhầm lẫn vô tình hay cố ý về bản quyền tác giả ảnh luôn xảy ra, gây phiền phức và mất lòng nhau, dẫn đến khiếu kiện liên miên. Việc sử dụng ảnh rất tuỳ tiện bao gồm:

1- Dùng ảnh của người này nhưng đề tên người khác, dùng ảnh của người khác (đã mất) rồi đề tên mình.

2- Dùng ảnh trùng tên nhưng không ghi chú tác giả ở địa phương nào? cơ quan nào?

3- Dùng ảnh của người khác nhưng ghi chú dưới ảnh là ST (sưu tầm) hay tư liệu (TL) để lĩnh nhuận ảnh.

4- Lấy ảnh của người khác để làm nền, làm phông cho ảnh của mình mà không ghi xuất xứ tác giả.

5- Sử dụng lại ảnh đã từng có trên các ấn phẩm khác, quét, sửa lại mà không ghi xuất xứ.

6- Cắt, cúp để tạo ra bức ảnh khác mà không ghi xuất xứ ảnh gốc.

7- Biên tập lại ảnh của người khác mà không ghi rõ nguồn ảnh từ đâu mà chỉ ghi chung chung "có sử dụng tài liệu của đồng nghiệp ".

8- Dùng phần mềm ghép ảnh của nhiều người để tạo ra một ảnh mới ghi tên mình.

Đấy là chưa nói đến các cuộc tranh cãi bất thành giữa những người chụp. Ảnh chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong dạng này. Khi dưới Ảnh nào ghi tư liệu (TL) thì giải thích chính mình là tác giả. Lại có trường hợp do được quản lý tư liệu của nhiều người, lúc xuất bản sách, người chủ biên đã "quên" tên người chụp. Với các tác giả "khuyết danh" thì lại càng khó tránh sự "nhầm lẫn". Tấm ảnh "Anh chiến sĩ ôm bom ba càng khi bảo vệ Hà Nội năm 1946" được sử dụng ở nhiều nơi, vốn là ảnh khuyết danh nhưng lại có vài người nhận là của mình. Khi hỏi, truy tìm phim gốc thì được giải thích là "thất lạc".

Gần đây có chuyện cười ra nước mắt. Người có máy ảnh cho bạn mượn, bạn đi dã ngoại thấy cảnh đẹp nhưng không chụp mà bảo anh bạn ngồi gần chụp. Ảnh chụp chơi, không ai tính đến. Tình cờ dự thi lại đoạt giải cao kèm phần thưởng lớn, thế là gây tranh cãi ai là tác giả. Người nói "máy ảnh là của tôi", người nói "tôi mới là người bấm máy", người khác nói "chụp là do tôi bảo"??.

Có nên đặt vấn đề "đạo đức hay không đạo đức" trong những cuộc tranh giành danh và lợi như thế?

Ai là người chống “hàng giả” và chống như thế nào ?

Không phủ nhận nỗ lực của các cấp quản lý nhiếp ảnh các Hội VHNT từ trung ương đến địa phương trong việc tạo ra một phong trào chụp ảnh rộng khắp, đưa ra quần chúng hàng ngàn ảnh có nội dung lành mạnh, tác động đến thị hiếu quần chúng, góp cho bộ mặt đất nước sáng đẹp hơn. Số hàng thật, chụp thật vẫn nhiều hơn có được nhờ động cơ chụp tốt của đại đa số nhà nhiếp ảnh trên cả nước. Nhưng sự có mặt của hàng giả, hàng nhái tại các cuộc trưng bày, phổ biến các sản phẩm những năm gần đây và có xu hướng ngày một nhiều loại hàng này, có những hàng giả đoạt giải cao vô tình như khuyến khích lối chụp ảnh không tôn trọng cái thực. Dù “hàng giả” có tạo ra những tấm ảnh đẹp lộng lẫy thì lối tô hồng hình ảnh và con người cũng rất xa với bản chất của ảnh.

Ai là người chống loại sản phẩm nghệ thuật giả, làm méo mó đời sống? Phải là các cơ quan quản lý nhiếp ảnh, không trao giải cho các hàng giả, thậm chí không nên trưng bày, lý luận phê bình phải mạnh mẽ phê phán, xu hướng săn giải thưởng bằng mọi cách. Mà khuyến khích đánh giá cao lối chụp thực, tôn trọng cuộc sống, khuyến khích các nhà nhiếp ảnh lăn lộn, nắm bắt thời cơ, vận dụng tinh thông nghề nghiệp với mục đích tạo ra những tấm ảnh thực. Các nhà quản lý kiên quyết với mọi cách đánh cắp bản quyền nhiếp ảnh, phản đối thái độ không trung thực trong hành nghề và gian dối trong việc phổ biến sản phẩm của một số người chụp.

Kinh tế thị trường, tự do sáng tác, chấp nhận đa phong cách, sự cạnh tranh và quyền được đánh giá tài năng sáng tạo không hề mâu thuẫn với yêu cầu một người làm văn nghệ sống và làm việc với lương tâm và trách nhiệm, có lòng tự trọng và biết tôn trọng các sản phẩm lao động của người khác, không ngộ nhận với các tước hiệu, danh hiệu mà mình đã được trao tặng.

Vũ Huyến 

(Nhà Nghiên cứu Lý luận phê bình Nhiếp ảnh)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục