Báo chí Trung Quốc đưa tin, giàn khoan-981 tới khu vực biển Myanmar để thực hiện hợp đồng thăm dò dầu khí mà hai nước đã ký trị giá 6 triệu USD.
Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc
Theo thông tin của Cục Hàng hải Trung Quốc, giàn khoan Trung Quốc đã xuất phát từ cảng Tam Á lúc 12 giờ ngày 1/1/2015, và di chuyển về hướng Singapore theo bốn hải trình 13-22.00N/110-50.00E, 07- 30.00N/109-05.00E, 03-25.00N/105-40.00E.
Thông báo của Trung Quốc chỉ cho biết Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) sẽ di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ và dự kiến mất khoảng nửa tháng để đến vị trí hoạt động ở Ấn Độ Dương.
Các nguồn tin trước đó cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động thăm dò tại khu vực Ấn Độ Dương trong năm nay. Hành trình từ Tam Á đến Singapore khoảng 1200 hải lý, với tốc độ di chuyển như hiện nay dự kiến giàn khoan Hải Dương-981 sẽ đến Singapore vào giữa tháng 1.
Trước đó, vào tháng 7/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cũng ra thông báo cho biết vào khoảng tháng 1/2015 sẽ đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực biển của Myanmar để thực hiện 2 lô dầu khí là AD-8 (có độ sâu 1.600 m), và lô AD-1 (với độ sâu 1.750m).
Ngoài ra, giàn khoan Hải Dương-981 còn có thể thăm dò ở lô AD-6 ở khu vực ven biển Rankhine, vì tháng 1/2007 CNOOC và Bộ năng lượng Myanmar đã ký hợp đồng phân chia sản lượng tại các khu vực này.
Theo Cảnh sát biển Việt Nam, sau khi có thông tin về việc Trung Quốc cho di chuyển giàn khoan, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ để ứng phó kịp thời nếu có tình huống xảy ra.
Đại diện cơ quan chức năng cho biết việc di chuyển tự do của giàn khoan trên biển là bình thường và không vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có động thái hạ đặt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam như hồi tháng 5/2014, lực lượng chức năng Việt Nam chắc chắn sẽ can thiệp.
Phương Anh (TH)