Đây là thông tin được ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến lợi ích của hóa đơn điện tử (HĐĐT) vừa được Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức.
Theo ông Huy, trong giai đoạn đầu cũng phát sinh một số vướng mắc liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm. Để khắc phục triệt để vấn đề này cả cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đều tập trung nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập HĐĐT gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng, thông suốt.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT và 18 tổ chức cung cấp dịch vụ truyền nhận và lưu trữ dữ liệu HĐĐT lên Cổng TTĐT Tổng cục Thuế. Các tổ chức cá nhân quan tâm có thể truy cập Cổng TTĐT Tổng cục Thuế, chọn mục HĐĐT để tra cứu sau đó sẽ thấy có phần tổ chức cung cấp giải pháp về hóa đơn để lựa chọn và sử dụng dịch vụ.
Theo ông Lưu Đức Huy, HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (NĐ123), Thông tư số 78/2021/TT-BTC (TT78) có một số điểm mới so với HĐĐT thực hiện theo Thông tư số 32/TT-BTC (TT32) trước đây.
Đầu tiên, HĐĐT theo định dạng chuẩn của cơ quan thuế; khi sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế thì cơ sở kinh doanh (người bán hàng) phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế. Tùy vào đặc điểm cơ sở kinh doanh mà có hai hình thức chuyển dữ liệu hóa đơn đó là: chuyển theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn cùng Tờ khai thuế GTGT; chuyển ngay dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế (trường hợp chưa chuyển được ngay thì chậm nhất là trong ngày phát sinh hóa đơn cơ sở kinh doanh phải chuyển cho cơ quan thuế).
Thứ hai, khi sử dụng HĐĐT, cơ sở kinh doanh chỉ cần làm thủ tục đăng ký sử dụng tại Cổng TTĐT Tổng cục Thuế hoặc thông qua Tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT, không phải làm các thủ tục khác. Đối với HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo NĐ 123, TT78 thì hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế sẽ tự động cấp mã hóa đơn căn cứ trên thông tin do người bán lập gửi đến cơ quan thuế.
Thứ ba, việc chuyển dữ liệu HĐĐT sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, quản lý khác của Nhà nước và tạo thuận lợi cho người nộp, thuế, như: kê khai thuế thuận tiện, nhanh chóng; công tác quản lý hoàn thuế GTGT; thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường; các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin HĐĐT để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, người nộp thuế, theo quy định tại Điều 15 (về đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử) của NĐ123 thì kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải ngừng sử dụng HĐĐT đã thông báo phát hành theo các quy định trước đây, tiêu hủy hóa đơn giấy đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng (nếu có). Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.
Như vậy trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử theo NĐ 123 và TT 78 thì phải ngừng sử dụng hóa đơn giấy đã phát hành theo Nghị định 51, Nghị định 04 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Toàn bộ hóa đơn giấy chưa sử dụng phải hủy và gửi thông báo hủy hóa đơn đến cơ quan thuế.