Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: THX/TTXVN
Tình hình trở nên căng thẳng hơn sau khi một số nước, trong đó có Mỹ, đã công nhận nhân vật này làm "tổng thống lâm thời" và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố Caracas sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và các nhà ngoại giao Mỹ có 72 giờ để rời khỏi nước này.
* "Kịch bản Libya” dành cho Venezuela
Theo bình luận của báo mạng La Tabla (Venezuela), những diễn biến trên chính trường Venezuela trong tháng 1/2019 hiện tại nhằm lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro và thủ tiêu cuộc Cách mạng Bolivar là tương tự, thậm chí có thể nói là "bản sao" của sách lược mà Mỹ và Liên minh châu Âu từng áp dụng tại Libya năm 2011. Có ít nhất 6 yếu tố tương đồng ủng hộ lập luận này:
Đầu tiên, Chính phủ Mỹ, qua thông báo của Ngoại trưởng Mike Pompeo, ca ngợi gần như ngay lập tức quyết định của Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát về việc thành lập một quỹ để khôi phục những “tài sản có được do tham nhũng”, mà mục tiêu thực tế là những nguồn lực tài chính của Chính phủ Venezuela tại nước ngoài.
Trong trường hợp của Lybia, Mỹ và EU triển khai phong tỏa tài khoản được thực hiện vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2011, vào thời điểm bắt đầu cuộc xung đột mà sau này trở thành một cuộc nội chiến.
Thứ hai, mục tiêu của phương Tây tại Libya không chỉ là lật đổ Muammar Gaddafi trong tư cách nguyên thủ, mà còn muốn đảm bảo sự chấm dứt mô hình thể chế của cuộc Cách mạng xanh.
Chính vì thế một trong những hành động đầu tiên của khối đối lập Libya khi đó là thành lập một Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia để tiến hành việc dỡ bỏ hệ thống thế chế hiện hữu khi đó.
Đây cũng chính là điều mà phương Tây đang muốn thực hiện tại Venezuela với lời kêu gọi Quốc hội đối lập ban hành Luật chuyển tiếp và tạo ra một cấu trúc thậm chí còn mang tên gọi tương tự như tại Libya: Hội đồng quốc gia về Chuyển tiếp dân chủ.
Thứ ba, trong trường hợp của Gaddafi, một trong những “mục đích cơ bản” trong hành động lật đổ của phương Tây là nhằm bắt giữ và đưa nhà quân phiệt này ra Tòa án hình sự quốc tế.
Để phù hợp với luận điệu này, bước đi cần thiết là bác bỏ vai trò tổng thống vốn đảm bảo cho Đại tá Gaddafi quyền miền trừ và biến ông thành một kẻ đào tẩu của bộ máy tư pháp hình sự quốc tế. Đây cũng chính là mục đích của dàn “hợp xướng” những tuyên bố về tính vi hiến và không công nhận chức vụ nhiệm kỳ mới của Tổng thống Maduro.
Thứ tư, để tạo ra một bối cảnh hỗn loạn như tại Libya vào tháng 2/2011 cho Venezuela hiện tại, chỉ cần thiếu một ngòi nổ dẫn tới đối đầu bạo lực. Tại quốc gia Bắc Phi khi đó là các cuộc biểu tình các ngày 15 và 16/2/2011 tại Bengasi (thành phố lớn thứ 2 của Libya) sau thông tin giả mạo về một vụ cháy tại thủ đô Tripoli.
Tại Venezuela, những nỗ lực đầu tiên là cuộc biểu tình rầm rộ ngày 23/1 và sắp tới – để lôi kéo thêm những người đối lập chưa quá khích – rất có thể là một vụ việc khó đoán trước nào đó và “khách quan” hơn như một cuộc biểu tình về thiếu thốn dịch vụ (xăng dầu hoặc điện nước), một vài vụ va chạm giữa những người buôn bán và người tiêu thụ; hoặc một số tình trạng bùng nổ phức tạp hơn nhưng cũng dễ đoán hơn, chẳng hạn như sự kháng cự của một vài cộng đồng thổ dân thiểu số nào đó, nơi đang diễn ra các hoạt động phạm pháp bán công khai như khai thác mỏ lậu, buôn lậu xăng dầu, lương thực và các tài nguyên khoáng sản khác.
Tất cả những băng nhóm tham gia các hoạt động thương mại phi pháp tại Venezuela hiện tại đều có những nhân tố vũ trang bạo lực có thể hành động như những hạt nhân của các những “dân quân khởi nghĩa” nào đó trong tương lai, một hình thức can thiệp quân sự gián tiếp sẽ song hành cùng những khái niệm như các “vùng cấm bay” để chia cắt lãnh thổ Venezuela.
Thứ năm, trong trường hợp của Libya năm xưa, các luận điệu biện hộ cho việc phong tỏa tài khoản quốc tế của quốc gia Bắc Phi này là việc các tài khoản này là do Gaddafi và gia tộc của ông ta kiểm soát.
Trong trường hợp của Venezuela, giọng điệu tương tự cũng đang được nhen nhóm một cách chưa chính thức khi Ngân hàng Anh quốc đã từ chối trả lại cho Caracas lượng vàng mà họ đang gửi với lập luận rằng ông Maduro có thể chiếm giữ tài sản này và ngân hàng này thậm chí còn không công nhận vai trò Tổng thống Venezuela của ông còn trước cả các chính phủ.
Cuối cùng, những dữ liệu trên hòa điệu rất nhịp nhàng với 2 yếu tố xuất hiện ngay sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Maduro để khẳng định việc phương Tây sử dụng lại “kịch bản Libya” tại Venezuela.
Đầu tiên là tuyên bố của một nhóm chủ nợ (sở hữu các trái phiếu nhà nước) không rõ ràng rằng họ chỉ công nhận Quốc hội đối lập như đối tác duy nhất trong việc tái đàm phán các khoản nợ.
Thứ hai, việc nhà kinh tế Francisco Rodríguez (giám đốc quỹ Torunos Capital) nhắc nhở rằng theo luật pháp của Mỹ và Anh, chỉ những Chính phủ được hai nước này công nhận mới có quyền được đại diện tại các tòa án của họ, điều này đồng nghĩa với việc các tài sản ở nước ngoài của Venezuela như Citgo (công ty lọc dầu có trụ sở ở Mỹ nhưng thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA – cột trụ kinh tế của Venezuela) có thể được Washington và London giúp chuyển sang tay của “chính phủ lâm thời” mà Hội đồng Chuyển tiếp lập ra.
Nhân dân Venezuela đã và đang trải qua những năm tháng rất gian khó, nhưng nếu xét tới những gì diễn ra tại Libya từ năm 2011 tới nay, thật khó để tin rằng sự “giúp đỡ”của “những người bạn dân chủ” phương Tây sẽ mang lại cho họ một tương lai tươi sáng hơn.
* Khi nào Mỹ ra đòn trừng phạt?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 đã gia tăng sức ép đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, ám chỉ những đòn trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ cốt yếu của nước này. Động thái đó được đưa ra ngay sau khi Washington thừa nhận lãnh đạo phe đối lập Guaido là "tổng thống lâm thời" Venezuela.
Khi các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Maduro diễn ra trên khắp đường phố của Venezuela, ông Trump tuyên bố Mỹ công nhận Guaido, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, là nhà lãnh đạo của quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời gọi chính quyền của ông Maduro là "bất hợp pháp". Đáp lại, ông Maduro tuyên bố Caracas sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và các nhà ngoại giao Mỹ có 72 giờ để rời khỏi Venezuela.
Tuy nhiên, Washington chẳng nề hà gì khi "phản pháo" rằng ông Maduro chẳng có quyền hành gì để cắt quan hệ với Mỹ và rằng Washington sẽ quan hệ với chính phủ do ông Guaido điều hành.
Chưa hết, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cảnh báo ông Maduro và lực lượng trung thành của ông rằng Washington sẵn sàng "bồi" thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ, khai thác vàng và các lĩnh vực khác, cũng như sẽ có hành động "nếu họ chọn cách làm hại bất kỳ thành viên quốc hội nào hoặc bất kỳ quan chức hợp pháp nào của Chính phủ Venezuela".
Khi được hỏi liệu có khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela hay không, ông Trump đáp: "Chúng tôi không cân nhắc gì nhưng mọi lựa chọn đều được bàn đến".
Tuy nhiên, việc Mỹ chính thức thừa nhận ông Guaido có thể trở nên phức tạp do những quan ngại về cách hành xử với các nhà ngoại giao của Venezuela làm việc tại Mỹ và ai sẽ kiểm soát tài khoản ngân hàng của Venezuela và các loại tài sản khác của Mỹ, trong đó có Citgo.
Quan chức giấu tên trên nói rằng Washington hiện coi ông Guaido và Quốc hội Venezuela là "những lực lượng ra quyết định hợp pháp" trong các giao dịch giữa Mỹ và Venezuela và rằng sẽ có "một loạt hậu quả" song từ chối nêu chi tiết.
Việc Mỹ thừa nhận ông Guaido có thể là "gậy ông đập lưng ông" nếu ông Maduro, người cáo buộc phe đối lập lên kế hoạch đảo chính, lợi dụng sự thừa nhận này là lý do để bắt giữ Guaido hoặc các nhân vật đối lập khác.
Mỹ đã chần chừ triển khai các biện pháp trừng phạt dầu khí của Venezuela ở quy mô lớn do cân nhắc những tác động mạnh đối với đời sống người dân Venezuela cũng như đối với các công ty và người tiêu dùng Mỹ. Trong những tuần gần đây, các công ty lọc dầu của Mỹ như Valero Energy Corp, Chevron Corp và PBF Energy Inc đã có các cuộc thảo luận với Chính quyền Tổng thống Trump về khả năng triển khai các biện pháp trừng phạt nói trên./.
TTXVN