Khi hàng hiệu lao đao vì rớt giá

(Kinhdoanhnet) - Giá trị thương hiệu của 10 nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới giảm 6%, tương đương giảm 7,1 tỷ USD, còn 105 tỷ USD.

Bloomberg dẫn báo cáo thương hiệu BrandZ 2015 do công ty Millward Brown công bố ngày 27/5 cho biết, giá trị thương hiệu của 10 nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới giảm 6%, tương đương giảm 7,1 tỷ USD, còn 105 tỷ USD.

Khi hàng hiệu lao đao vì rớt giá - Ảnh 1
Giá trị của Cartier giảm 15% xuống 7,6 tỷ USD

Theo báo cáo trên, giá trị của Cartier giảm mạnh nhất, giảm tới 15% xuống 7,6 tỷ USD, trong khi của Prada giảm 35% xuống 6,5 tỷ USD. Giá trị của Hermes giảm 13% xuống 18,9 tỷ USD, Gucci giảm 14% xuống 13,8 tỷ USD, Rolex giảm 6% xuống 8,5%.

Chỉ có Louis Vuitton và Chanel có thể tăng giá trị thương hiệu trong năm vừa qua. Theo đó, giá trị thương hiệu của LV tăng 6% lên 27,4 tỷ USD, đưa Moet Hennessy Louis Vuitton trở thành thương hiệu tiêu dùng lớn nhất thế giới năm thứ 10 liên tiếp. Giá trị của Chanel tăng 15% lên 9 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 4, sau Hermes và Gucci.

Việc mua đồ hiệu làm quà tặng đã giảm xuống ở Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Ở Nga, người tiêu dùng cũng giảm mua đồ hiệu do đồng Rúp mất giá sâu và tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp lên Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine - theo Millward Brown.

Cùng với đó, những nỗ lực nhằm tạo sự khác biệt lớn hơn đã đem lại cơ hội cho những thương hiệu “bình dân” hơn như Michael Kors hay Tiffany lần đầu tiên góp mặt trong top 10.

Sở dĩ hoạt động kinh doanh của Chanel và LV khả quan hơn so với các thương hiệu xa xỉ khác là bởi họ đã áp dụng chính sách giảm giá ở nhiều thị trường để kích thích tiêu dùng.

Tuy vậy, biến động tỷ giá cũng đang là vấn đề nhức nhối với họ. Chênh lệch giá bán túi xách, đồng hồ đeo tay, trang sức giữa thị trường châu Âu và Trung Quốc hiện đang lớn nhất 3 năm trở lại trong bối cảnh euro mất giá ảnh hưởng đến chiến lược giá của các thương hiệu.

Biến động tỷ giá có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 39% chi phí cho các món hàng hiệu nếu họ bay tới Paris để mua thay vì mua trong nước. Con số này năm ngoái chỉ ở 26%.

Anh Phương (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục