Vietinbank đang "bí"cửa tăng vốn
Bài toán tăng vốn trở thành vấn đề "nóng" của ông lớn Vietinbank khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đã chạm "ngưỡng nguy hiểm". Cụ thể, quý IV/2018 VietinBank đã buộc phải giảm 26.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng để đảm bảo hệ số an toàn vốn.
Theo số liệu của VCSC, CAR của VietinBank theo Basel I năm 2017 là 10% và năm 2018 dự báo còn 9,7%. Mức này thấp hơn rất nhiều với trung bình ngành là 12,14%. Tuy nhiên, nếu áp dụng tiêu chuẩn Basel II, theo tính toán của các công ty chứng khoán, CAR sẽ giảm từ 1-3%, khiến VietinBank có thể không đáp ứng được mức quy định tối thiểu.
Hiện nay, vấn đề nâng vốn cấp 1 tại Vietinbank không hề dễ dàng bởi tỷ lệ sở hữu nhà nước tại ngân hàng này đã xuống mức 64,46% (trong khi theo quy định không được giảm dưới 65%), đồng thời tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy (30%).
Trong bối cảnh tỷ lệ an toàn vốn đã xuống gần mức sàn quy định, cách tăng vốn dễ nhất của Vietinbank là chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì buộc phải chia bằng tiền mặt như yêu cầu trước nay của Bộ Tài chính. Theo đó VietinBank xem như giữ lại được hàng nghìn tỷ đồng (hồi đầu năm 2018, VietinBank đề xuất chia cổ tức 5 - 7% bằng tiền mặt, tương đương phải chi ra 1.860 - 2.600 tỷ đồng).
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng VietinBank cho biết: “VietinBank đề nghị được chấp thuận được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020, và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ cho VietinBank.
Đồng thời cho phép VietinBank thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: Nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ thì VietinBank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; Việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật."
Theo đó, Vietinbank đề nghị được giữ lại cổ tức để tăng vốn nhằm tiếp tục phát triển, phát huy tốt vai trò là các ngân hàng chủ lực trong hệ thống. Tuy nhiên, quyết định này có được chấp thuận hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu Bộ Tài chính có lẽ nên làm. Vì nếu không chấp thuận, VietinBank sẽ khó có thể tăng trưởng tín dụng, khi đấy lợi nhuận không tăng, nguồn thu lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ không tăng, chưa kể các nguồn thu gián tiếp khác. Do đó, đồng ý cho VietinBank chia cổ tức bằng cổ phiếu là một cách để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Không tăng vốn, tín dụng giảm mạnh
VietinBank cần tăng vốn để đảm bảo CAR.
Nếu không có kế hoạch khả thi để tăng vốn trong năm 2019, VietinBank sẽ phải hãm phanh tín dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2019.
Quý I/2019, mức tăng trưởng tín dụng âm 0,44%, sang quý thứ 2 liên tiếp Vietinbank phải thu hẹp quy mô tín dụng vì CAR đã rơi xuống sát ngưỡng tối thiểu.
Trước đó, VietinBank đã hạ các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn kết quả đã đạt được sau 9 tháng đầu năm 2018 theo báo cáo tài chính đã công bố, đặc biệt là hai chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận thấp hơn so với dự kiến đầu năm.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, VietinBank đạt tăng trưởng tín dụng 12,8% (dự kiến hồi đầu năm là 14%), lợi nhuận trước thuế gần 7.600 tỷ đồng (chỉ tiêu dự kiến hồi đầu năm là 10.800 tỷ đồng). Ngay cả khi được cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn thì nhà băng này cũng chỉ đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh khá khiêm tốn trong năm 2019: Tổng tài sản tăng 2-5%; tín dụng tăng 6-7%.
Hà Phương (t/h)