Sáng ngày 05/09, tại UBND phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), ông Trần Đình Hồng – Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa đã đại diện cho cơ quan này xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho ông Trần Bê (sinh năm 1957, trú tại Ninh Giang, Ninh Hòa, Khánh Hòa), là người bị tạm giam oan về tội giết người cách đây 38 năm.
Tại buổi xin lỗi công khai này, ông Hồng đã nêu rõ: “Việc khởi tố, phê chuẩn bắt tạm giam đối với ông Bê là oan sai. VKSND tỉnh xin lỗi ông Bê và gia đình vì những oan sai mà VKSND tỉnh Phú Khánh gây ra”. Sự việc này cho thấy, không phải lúc nào cơ quan này cũng đúng, nhưng cái sai của họ thì có thể hủy hoại uy tín, danh dự của cả một chủ thể.
Liên hệ đến trường hợp các cá nhân là lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (gọi tắt là Công ty Hòn Thị), cho đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa đủ căn cứ để buộc tội cho dù đã ban hành Quyết định khởi tố hình sự vụ án, khởi tố các bị can.
Trong nội dung chuyển đơn, Ban Dân nguyện UBTV Quốc hội đã nhắc VKSND tỉnh Khánh Hòa phải khách quan, thận trọng.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật để bảo vệ công lý
Hoạt động tố tụng hình sự là quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là sự vận hành của các yếu tố khách quan nhằm mục đích công bố, ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người trong tố tụng hình sự, bảo vệ và thực thi các quyền đó trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Viện kiểm sát (VKS) là một cơ quan hiến định, là một bộ phận, một mắt xích hợp thành bộ máy Nhà nước. Do vậy, VKS có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, pháp chế và bảo vệ quyền con người.
Tại Khoản 3, Điều 107, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Theo đó, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND được nâng cao, khẳng định rõ vị thế của ngành kiểm sát trong việc đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Góp phần bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng. Như vậy, VKS không chỉ thực hiện quyền công tố, mà còn kiểm sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, đóng vai trò thể hiện quan trọng trong giai đoạn tố tụng từ tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Trong giai đoạn khởi tố, để đảm bảo việc khởi tố của cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra được đúng người, đúng tội và đúng pháp luật thì cần phải có các quyết định phê chuẩn của VKS. Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. VKS đảm bảo các hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội, không để người nào bị khởi tố, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân…tự do, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật.
Hiến pháp và pháp luật quy định là vậy, tuy nhiên đối với trường hợp cụ thể như tại Công ty Hòn Thị, các lãnh đạo Công ty bao gồm: Tổng Giám đốc, Giám đốc và Kế toán trưởng bị khởi tố hình sự với tội danh “Vi phạm khai thác về tài nguyên khoáng sản” được VKSND tỉnh Khánh Hòa quyết định phê chuẩn các quyết định khởi tố hình sự dường như có dấu hiệu bị hình sự hóa, oan sai? Bởi lẽ cho đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa mặc dù đã hết thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn điều tra nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để ban hành kết luận điều tra, dẫn đến sự việc hiện tại bị cơ quan này đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra không có thời hạn.
Tại sao VKSND tỉnh Khánh Hòa từ chối cung cấp thông tin cho báo chí?
Đối với VKSND tỉnh Khánh Hòa, có lẽ cơ quan này hơi vội vàng, thiếu kiểm sát khi tiếp nhận, phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nêu trên từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa. Bởi các hiện tượng được nêu nhằm quy chụp tội danh cho các bị can của vụ việc này dường như chưa được VKSND xem xét kỹ lưỡng trước khi ban bố quyết định.
Cụ thể như: Thứ nhất là theo Quyết định số 268, VKSND tỉnh dẫn lại lý do UBND tỉnh yêu cầu Công ty Hòn Thị chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hòn Thị trước thời hạn được cấp phép vì khu vực này đã được quy hoạch thành các khu đô thị, dân cư… Tuy nhiên trên thực tế, tại bản đồ quy hoạch xây dựng xã Phước Đồng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất của thành phố Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa hề hiện hữu Khu đô thị Hòn Thị - Việc này đã được Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng khẳng định với phóng viên trong buổi trao đổi thông tin ngày 21/03/2019.
Việc không tồn tại Khu đô thị Hòn Thị trong quy hoạch đã được phê duyệt cũng được ghi nhận tại các buổi đối thoại giữa Công ty Hòn Thị và Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa; Thứ hai là: UBND tỉnh Khánh Hòa mượn danh quy hoạch mở rộng thành phố Nha Trang về phía Tây để bắt buộc Công ty Hòn Thị phải dừng hoạt động khai thác khoáng sản trước thời hạn trong khi Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy chứng nhận QSD đất vẫn còn thời hạn dẫn đến sự thiệt hại về kinh tế không nhỏ, nhưng lại không được đền bù, bồi thường theo Luật định; Thứ ba là: Liên quan đến việc tận thu đất, đá trong thi công hạ cốt nền Khu đô thị Hòn Thị. Công ty này được UBND tỉnh ban hành văn bản cho phép được kinh doanh khối lượng đất đá thu được để bán ra ngoài.
Công ty Hòn Thị đã thực thi theo đúng quy định và nộp thuế, phí đầy đủ trong khi đó lại bị VKSND tỉnh quy chụp là “sản phẩm khai thác được chỉ sử dụng cho công trình đó” là không đúng với quyết định được UBND tỉnh ban hành; Thứ tư là các cá nhân là lãnh đạo Công ty Hòn Thị bị khởi tố cho dù hơn 10 năm gắn bó với công việc kinh doanh, khai thác khoáng sản nhưng chưa hề một lần vi phạm về công việc này. Điều này thể hiện ở các biên bản kiểm tra của các cấp có thẩm quyền đối với Công ty Hòn Thị trong 03 năm liên tiếp trước khi bị khởi tố; Thứ năm là cả quá trình kinh doanh của Công ty Hòn Thị từ giai đoạn khai thác khoáng sản cho đến đầu tư xây dựng Khu đô thị Hòn Thị, đều thực hiện theo các quyết định và chỉ dẫn của các cấp có thẩm quyền. Vậy nếu có sai, lẽ ra phải bắt nguồn từ các cơ quan Nhà nước chứ sao có thể quy chụp cho cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp được?
Mỏ đá Hòn Thị đang bị dừng hoạt động.
Cho đến hiện tại, khi vụ việc nêu trên đã có Quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận đề nghị làm việc, cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan báo chí, thì VKSND tỉnh lại từ chối gặp gỡ, tiếp xúc phóng viên với lý do “Vụ việc đang trong quá trình điều tra” là vì sao? Phải chăng vì lý do nào đó mà cơ quan thực hành quyền công tố này đang không biết trả lời công luận ra sao khi đã “chót” phê chuẩn các quyết định khởi tố đối với sự việc nêu trên?
Tại buổi thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có phát biểu: “Trong dãy dài các hoạt động tư pháp hiện nay có nổi lên một yếu huyệt cần được chữa trị. Đó chính là vị trí, vai trò và bản lĩnh của ngành kiểm sát nhân dân… Nếu có phẩm chất, có bản lĩnh chính trị vững vàng thì vẫn có thể vượt qua mọi khó khăn để gìn giữ và nâng cao vị thế bằng công việc, tâm lực của mình. Không thể đổ lỗi cho khách quan, nhất là trong bối cảnh Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Yếu tố chủ quan mới là có tính quyết định, nếu cứ như tình trạng hiện nay, cử tri đánh giá hoạt động của VKSND chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao.
Có thể nói rằng vị thế của ngành kiểm sát nhân dân hiện nay giảm sút nhiều so với những năm trước đây. Vì thế phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, nhận diện và quyết tâm hơn. Trong thực hành quyền công tố, VKSND cần tránh trở thành khớp nối cho oan sai, phúc cung, bỏ lọt tội phạm… Phải truy tố đúng người đúng tội, không dễ dãi xây dựng cáo trạng truy tố trên có sở các kết luận điều tra trái pháp luật, thiếu tin cậy…
Trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành kiểm sát nhân dân cần quyết liệt xem xét, xử lý theo thẩm quyền, kể cả sử dụng quyền điều tra… không nên đẩy các sai phạm về cho các cơ quan xử lý nội bộ theo kiểu dĩ hòa dĩ quý. Chỉ cần làm tốt những việc này thì VKSND sẽ xứng đáng là khớp nối an toàn và hiệu quả của chuỗi các hoạt động tư pháp”.
Trên cơ sở đó, hy vọng VKSND tỉnh Khánh Hòa sẽ thẳng thắn nhìn vào sự thật, vào bản chất sự việc của Công ty Hòn Thị và các cá nhân bị khởi tố hình sự để bảo vệ công lý.
Hiền Anh và nhóm PVĐT/KDPL