Theo Điều 5, Chương I, Luật Đầu tư số 67/2014/QH 13 quy định: “… Nhà Đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan, được quyền sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định pháp luật…; Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà nước đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế; Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên”.
Trong khi đó, từ khi được phép thực hiện Dự án khai thác khoáng sản đất đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Hòn Thị, cho đến Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thi Hòn Thị, Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị chẳng những không được tôn trọng quyền đầu tư của mình mà còn bị thiệt hại lớn, nguy cơ chết lâm sàng cả về uy tín lẫn tài chính bởi những văn bản hành chính không phù hợp được ban hành bởi UBND tỉnh Khánh Hòa.
Mỏ đá Hòn Thị đang bị ngừng hoạt động.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Rà soát toàn bộ quá trình hoạt động thực hiện Dự án của Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (gọi tắt là Công ty Hòn Thị), có thể thấy Công ty này đã trải qua hai giai đoạn để thực hiện 02 dự án.
Giai đoạn thứ nhất là khi Công ty Hòn Thị được phép thực hiện Dự án khai thác khoáng sản đất đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) tại mỏ đá Hòn Thị theo Giấy phép đầu tư số 1736/GP ngày 16/11/1996 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp có thời hạn 20 năm (tức là từ năm 1996 đến hết năm 2016) và Giấy phép khai thác khoáng sản số 2374/GP-ĐCKS ngày 10/12/1997 và số 2242/GP-ĐCKS ngày 12/09/2002 do Bộ Công nghiệp (cũ) cấp.
Khi đang thực hiện Dự án này thì Công ty Hòn Thị bị UBND tỉnh Khánh Hòa buộc dừng hoạt động Dự án (vào năm 2012) với lý do “mở rộng thành phố Nha Trang về phía Tây”. Đến năm 2014 thì Công ty này bị buộc phải trả lại Giấy phép đầu tư và Giấy phép khai thác khoáng sản trước thời hạn theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Công ty được UBND tỉnh cho phép làm Chủ đầu tư và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu Đô thị Hòn Thị (vào năm 2014).
Ở cả hai giai đoạn thực hiện Dự án, Công ty Hòn Thị đã phải trải qua thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý, chủ động bằng nguồn tài chính của mình để thực hiện các bước đầu tư, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, phí đối với Nhà nước. Và đặc biệt trong suốt cả quá trình dài thực hiện các Dự án, Công ty Hòn Thị luôn được các Đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành của chính quyền địa phương đánh giá là “có ý thức tổ chức thực hiện Dự án theo quy định của Nhà nước, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Việc UBND tỉnh Khánh Hòa không đảm bảo được môi trường đầu tư cho Công ty Hòn Thị trong suốt thời gian Công ty này hoạt động Dự án tại đây cho thấy cơ quan quản lý Nhà nước thuộc tỉnh đã không tôn trọng quyền đầu tư của doanh nghiệp.
Theo Đơn khiếu nại lần 1 của Công ty Hòn Thị gửi UBND tỉnh Khánh Hòa thì: “Các thiệt hại của Công ty do UBND tỉnh gây ra bao gồm: các chi phí mà Công ty đã đầu tư trong quá trình thẩm định các dự án (bao gồm cả chi phí thuê tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tư vấn lập quy hoạch, tư vấn xây đồ án thiết kế cơ sở, phí tư vấn pháp lý…; chi phí cơ hội kinh doanh bị mất đi trong thời hạn 03 năm (do UBND tỉnh buộc dừng Dự án khai thác khoáng sản của Công ty Hòn Thị trước thời hạn) kể từ giai đoạn lập quy hoạch tỷ lệ 1/500; thiệt hại về lợi nhuận tương lai bị mất đi nếu như dự án được triển khai…”.
Với các thiệt hại này, Công ty Hòn Thị đã yêu cầu được bồi thường thiệt hại số tiền ước tính lên đến 500 tỷ đồng cho những vướng mắc cũng như sự bất ổn định môi trường đầu tư của Công ty tại tỉnh Khánh Hòa. Và nếu như UBND tỉnh Khánh Hòa không xem xét thấu đáo toàn bộ sự việc để đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm sự việc thì cơ quan này có nguy cơ sẽ phải đối diện với trọng tài và tòa án (theo Điều 14, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13).
Theo báo cáo Kết quả xác minh khiếu nại số 1423/BC-SXD ngày 22/04/2019 của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh có kết luận việc UBND tỉnh ban hành văn bản số 1231/UBND-XDNĐ ngày 29/02/2016 công nhận Công ty Hòn Thị là Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Hòn Thị; văn bản số 2854/UBND-XDNĐ ngày 29/04/2016 về Chủ trương điều chỉnh tên dự án, điều chỉnh quy hoạch và tận thu khối lượng đất đá khi hạ cốt nền theo quy hoạch là không phù hợp quy định của pháp luật; Việc công nhận Chủ đầu tư mà không thông qua hình thức lựa chọn Nhà đầu tư là chưa phù hợp.
Như vậy với việc ban hành các văn bản hành chính, lựa chọn Nhà đầu tư không theo quy định của pháp luật gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp, kèm theo việc khởi tố hình sự về “hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản” đối với các cá nhân là lãnh đạo Công ty Hòn Thị nhưng cho đến nay do chưa đủ căn cứ để kết luận tội danh nên phải tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đã khởi tố trước đó.
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa còn có thể phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14. Bởi theo Luật này quy định thì các thiệt hại được bồi thường là những thiệt hại được phát sinh, cac khoản lãi quy định khi xác định các thiệt hại đó do tài sản bị xâm phạm, do thu nhập thực tế bị mất đi hoặc giảm sút hoặc thiệt hại về vật chất do sức khỏe, tinh thần bị xâm phạm. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước còn phải khôi phục quyền và các lợi ích hợp pháp đối với người bị thiệt hại.
Hơn thế nữa, ngày 01/06/1996, với lòng mong muốn chung là phải củng cố, tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử, cùng có lợi và có đi có lại; Mong muốn tại điều kiện thuận lợi để thương mại giữa Việt Nam và cộng đồng phát triển thương mại hai chiều tự do, không bị cản trở theo cách thức ổn định, trong sáng, không phân biệt đối xử có tính đến điều kiện kinh tế khác nhau của hai bên, Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu (EU) đã đi đến những thỏa thuận riêng thông qua Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Trong đó, tại Điều 5 được ghi nhận bởi nội dung: “Các bên khuyến khích tăng cường đầu tư cùng có lợi bằng cách thiết lập môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân, bao gồm điều kiện tốt hơn để tiến hành chuyển vốn và trao đổi thông tin về các cơ hội đầu tư. Đặc biệt các bên ủng hộ, khi thích hợp. Các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên của Cộng đồng EU trên cơ sở các nguyên tắc không phân biệt đối xử và có đi có lại”.
Quay lại sự việc của Công ty Hòn Thị, sự lên tiếng của Đại Sứ quán 3 nước bao gồm: Đan Mạch, Ai – Len và Khối liên minh Châu Âu (EU) cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa cho thấy, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh Khánh Hòa đang có dấu hiệu bị xâm hại và cần được bảo hộ. Và nếu sự việc không được làm rõ và giải quyết trên tinh thần cầu thị, đúng quy định của pháp luật và những cam kết trong Hiệp định nêu trên thì không những có thể sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU mà còn làm ảnh hưởng cả đến uy tín đầu tư của tỉnh Khánh Hòa nói riêng cũng như đất nước Việt Nam chung.
Một chuyên gia kinh tế đã chia sẻ: “Sự việc của Công ty Hòn Thị không phải là lớn khi mà toàn cảnh phát triển thành phố Nha Trang cũng như tỉnh Khánh Hòa còn đang trong giai đoạn vươn mình phát triển. Dù là cá nhân hay tổ chức làm sai thì cũng đều có thể sửa chữa và khắc phục. Quan trọng là tinh thần sửa chữa và khắc phục đến đâu. Là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Công ty Hòn Thị không thể làm bừa. Vì vậy, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cũng nên nhìn thẳng vào sự việc mà giải quyết. Tốt nhất là đạt ở mức độ hòa giải và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư, phát triển và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước Việt Nam. Như vậy mọi thứ sẽ hài hòa mà không làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển, ngoại giao của đất nước”.
Hiền Anh và nhóm PVĐT/KD&PL