Có thể nói trong nhiều năm qua, Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (Công ty Hòn Thị) là “nạn nhân” trong việc liên tục tiếp nhận các văn bản hành chính không phù hợp quy định pháp luật do các Sở ngành và cả UBND tỉnh ban hành, buộc công ty này phải chấp thuận dẫn đến tình trạng “sống dở, chết dở” như hiện nay.
Vậy nhưng điều đáng ngạc nhiên ở chỗ là chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào, ngay cả sự vào cuộc của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khi cho rằng các lãnh đạo công ty này vi phạm khai thác khoáng sản cũng không xem xét đến tính pháp lý của những văn bản chỉ dẫn, cho phép Công ty Hòn Thị thực hiện hạ cốt nền Dự án Khu đô thị Hòn Thị để từ đó có biện pháp xử lý nghiêm minh. UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản để Công ty Hòn Thị thực hiện rồi lại ban hành quyết định để thu hồi những văn bản đã ban hành, khi Công ty Hòn thị khiếu nại thì lần nữa chưa xử lý dứt điểm khiếu nại (?).
Báo cáo Kết quả xác minh nội dung khiếu nại do Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Hòn Thị.
Theo báo cáo Kết quả xác minh nội dung khiếu nại do Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Hòn Thị thì Sở này đã thừa nhận việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành một số văn bản hành chính là chưa phù hợp quy định pháp luật, đồng thời việc UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục, trình phê duyệt chấp thuận đầu tư Dự án Khu đô thị Hòn Thị cũng là không phù hợp quy định. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của sự không phù hợp, còn nhiều văn bản hành chính được ban hành nhằm gây khó cho Công ty Hòn Thị khi thực hiện dự án nêu trên mà chưa được đề cập đến.
Ngày 08/03/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 122/TB-UBND về Kết luận của UBND tỉnh tại buổi họp thường kỳ tháng 02/2017. Sau khi nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua dự thảo báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh tháng 02/2017 và chương trình công tác trọng tâm tháng 03/2017; ý kiến tham gia của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các ngành, địa phương, ý kiến biểu quyết của Thành viên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành.
Theo đó, tại mục 13 - Giao Sở TN&MT phối hợp với các địa phương kiểm tra các mỏ khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng để chấn chỉnh, xử lý; và một trong các nhiệm vụ trọng tâm tháng 03/2017 đối với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố là: xử lý nghiêm và công bằng đối với việc khai thác cát, đất đá trái phép trên địa bàn. Do đó, ngày 18/04/2017, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa có Tờ trình số 175/TTr-STNMT-KS về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản, đất đá làm VLXD thông thường trong các dự án xây dựng công trình mà Sở này đã báo cáo trước đó.
Ngày 08/05/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Văn bản số 3722/UBND-KT đồng ý giao cho Sở TN&MT thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với những vi phạm vượt quá thẩm quyền.
Theo nội dung trên, nếu thực thi công vụ một cách công tâm thì Sở TN&MT sẽ phải tổ chức Công bố việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với sự góp mặt của các cá nhân, tổ chức có liên quan, từ đó phối hợp theo đúng quy định pháp luật nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho hoạt động kiểm tra. Nhưng ở trường hợp này thì khác. Việc Sở TN&MT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thành lập đoàn kiểm tra cũng có nghĩa là Sở này sẽ nắm “quyền sinh, quyền sát” các doanh nghiệp có hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản làm VLXD trong tầm ngắm của mình để buộc các doanh nghiệp này phải tuân theo.
Chính vì thế mà thay vì phải thông báo tới các doanh nghiệp và địa phương về mục đích và hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành thì Sở này lập tức ban hành văn bản số 2110/STNMT-KS yêu cầu tạm dừng các hoạt động vận chuyển khoáng sản làm VLXD trong diện hẹp tức là chỉ trong hai xã Phước Đồng và xã Vĩnh Thái thuộc thành phố Nha Trang.
Toàn văn vản bản này như sau: “Kính gửi các đơn vị hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản đất, đá làm VLXD trong các dự án xây dựng công trình trên địa bàn xã Phước Đồng, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 122/TB-UBND và Kết luận của UBND tỉnh tại buổi họp thường kỳ tháng 2/2017 và Công văn 3722/UBND-KT ngày 08/05/2017 về việc Đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản đất đá làm VLXD trong các dự án xây dựng công trình, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản trong các dự án, dự kiến thời gian bắt đầu triển khai từ tháng 06/2016.
Sở TN&MT đề nghị các đơn vị (theo danh sách đính kèm, trong đó có Công ty Hòn Thị đứng ở vị trí đầu tiên của danh sách) tạm ngừng mọi hoạt động vận chuyển khoáng sản đất đá làm VLXD trong các dự án công trình xây dựng trên địa bàn xã Phước Đồng, xã Vĩnh Thái để thực hiện công tác rà soát các thủ tục về hồ sơ đăng ký khối lượng khoáng sản; hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ đất đai, môi trường và kê khai thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan.
Lý do: Các đơn vị khai thác, vận chuyển khoáng sản đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng và đời sống người dân trong khu vực; hoặc chưa hoàn thành các nghĩa vụ thực hiện các thủ tục về hồ sơ đăng ký khối lượng khoáng sản; hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ đất đai, môi trường và kê khai thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan. Sở TN&MT đề nghị các đơn vị thực hiện nội dung nêu trên”.
Văn bản số 2110/STNMT-KS do Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 24/05/2017.
Như vậy, với nội dung Văn bản số 2110/STNMT-KS do Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 24/05/2017 nêu ở trên thì có thể thấy Sở này đã vượt thẩm quyền cho phép khi ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động thu hồi, khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn hai xã Phước Đồng và Vĩnh Thái. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất: Như Công ty Hòn Thị được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép triển khai thực hiện dự án, được phép thi công hạ cốt nền và tận thu khối lượng đất đá dôi dư để kinh doanh thông qua các Quyết định, quy hoạch tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Vậy nếu muốn Công ty dừng các hoạt động liên quan đến dự án đã được phê duyệt thì thẩm quyền ban hành văn bản phải là UBND tỉnh chứ không phải Sở TN&MT(?).
Thứ hai: Trong quá trình hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản đất đá làm VLXD, nếu có phát sinh đơn thư của người dân thì thẩm quyền giải quyết đầu tiên cũng phải là từ cấp cơ sở tức là từ UBND xã… Việc Công ty Hòn Thị trước đó chưa hề bị xử phạt vi phạm do gây ô nhiễm môi trường hay do một vài lý do khác mà Sở TN&MT liệt kê trong văn bản số 2110/STNMT-KS minh chứng cho thấy lý do như Sở TN&MT đưa ra trong văn bản là không thuyết phục, thiếu kiểm chứng.
Thứ ba: Trong văn bản 2110 có nêu việc lập Đoàn Kiểm tra là để thực hiện công tác rà soát các thủ tục về hồ sơ đăng ký khối lượng khoáng sản; hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ đất đai, môi trường và kê khai thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan. Như vậy việc rà soát các thủ tục thì đâu có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà Sở này lại yêu cầu doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động?
Với những lý lẽ trên thì việc Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản đất đá làm VLXD trên địa bàn xã Phước Đồng và Vĩnh Thái (bao gồm cả Công ty Hòn Thị) có được coi là “lộng quyền” và thẩm quyền ban hành văn bản có đúng quy định hay không? Ai sẽ là người chịu mọi thiệt hại về kinh tế thay cho doanh nghiệp? Tại sao sự việc này lại không được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa hay các Đoàn kiểm tra cấp Trung ương xem xét đến nhằm đảm bảo quyền và lợi hợp pháp cho doanh nghiệp, cho đất nước?
Cũng từ đây, những tội và lỗi sẽ lần lượt được úp lên đầu doanh nghiệp mặc cho doanh nghiệp có giải thích cỡ nào thì cũng sẽ bị bác bỏ (?).
Cụ thể như đối với Công ty Hòn Thị, mặc dù đã được Bộ, ngành cho phép khai thác mỏ đá Hòn Thị làm VLXD theo quy định nhưng trong suốt quá trình hoạt động theo giấy phép của mình, Công ty luôn phải tiếp nhận những văn bản thiếu căn cứ pháp lý, không phù hợp quy định khiến hoạt động kinh doanh luôn bị ngắt quãng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và bất ổn về tinh thần. Từ những bất cập đó, khi Công ty lên tiếng kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi của mình thì lại tiếp tục nhận được những văn bản không phù hợp khiến hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ hẳn.
Như vậy, nếu không làm rõ trách nhiệm trong việc ban hành những văn bản hành chính không phù hợp thì bao giờ tình trạng “lộng quyền” ở một số cấp, ngành của tỉnh Khánh Hòa mới chấm dứt? Bao giờ oan sai của doanh nghiệp mới được gột rửa để niềm tin trong dân không bị bào mòn?
Hiền Anh và nhóm PVĐT