Khang Điền “lùa” doanh nghiệp vào để “thịt”?

Trong bối cảnh “thiên thời” hiện nay, nếu ai sinh ra một lực cản nào đó liên quan đến sự phát triển của các doanh nghiệp nước nhà, chắc chắn sẽ cần phải cân nhắc rất cẩn thận.

Thế mà thật ngỡ ngàng, cùng trong một mặt bằng chỉ số giá cả trên cả nước đang ở mức 5%/năm thì chủ đầu tư Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân TP. HCM (BCCI) đột ngột tăng giá thuê đất gấp 7 lần so với trước đó, tức 700%. 

Ôi, quả thật, đây là một thông tin đáng lo lắng cho hơn 130 DN vừa và nhỏ đang làm ăn yên ổn tại đây hơn 10 năm qua.  Vậy lý gì đã khiến chủ đầu tư ở đây nổi lên “lòng tham” như vậy? Và những quyết định ấy liệu có đủ những căn cứ thuyết phục về cả pháp lý lẫn đạo lý?

Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân TP. HCM (BCCI)
Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân TP. HCM (BCCI)

Trở lại năm 2005, UBND TP.HCM đã ra quyết định giao 170.225 m2 đất, có thu tiền sử dụng đất trong vòng 50 năm cho BCCI để đầu tư xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp này, với mục tiêu để tiếp nhận các cơ sở ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu dân cư trong nội thành.
Tháng 10/2005, các doanh nghiệp ký hợp đồng với BCCI thuê lại đất để làm nhà xưởng. Do lúc đó mới có chủ trương giao đất nên các doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng thuê tạm trong vòng 10 năm với giá 300 ngàn đồng/m2.

Đến tháng 6/2006, BCCI xin UBND TP.HCM chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và được chấp thuận. BCCI áp đơn giá cho thuê mới là 515.040 đồng/m2 trong 10 năm, trả tiền hằng năm. “Qua sông thì phải lụy đò”, các DN cũng đồng ý với lý do cùng đóng góp để xây dựng hạ tầng với chủ đầu tư.

Nay thời hạn 10 năm đã hết, hơn 130 DN tất nhiên phải ký lại hợp đồng. BCCI yêu cầu với giá mức giá mới là 2 triệu đồng/m2 cho 40 năm còn lại và phải đóng trước 95% tiền thuê đất, nếu không thì sẽ cắt điện, cắt nước(!?). Một câu hỏi được đặt ra, BCCI hiện đang thuê đất của Nhà nước với giá ưu đãi 441.000 đồng/m2, vậy lý gì khi cho thuê lại với giá cao ngất ngưởng là 2 triệu đồng/m2?

Lý do của BCCI đưa ra cũng rất đơn giản: đấy là giá thị trường hiện nay ở khu vực. Soi lại luật pháp hiện hành mới thấy có quy định rằng, việc định giá đất của Nhà nước phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp.

Vậy nếu giá thị trường hiện nay là 2 triệu đồng/m2 mà giá cho thuê của Nhà nước hiện nay dành cho BCCI chỉ có 441.000 đồng/m2 là vì lý do gì, nếu không phải là sự ưu đãi cho lợi ích cộng đồng?

Các nguồn thông tin cho hay, cách đây ít lâu, BCCI đã “thay thầy đổi chủ”. Công ty Khang Điền đã bỏ ra 377 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài để trở thành cổ đông lớn nhất của BCCI và nắm trong tay 20,41% cổ phần. Trước đây, Khang Điền không hề có một cổ phần nào ở BCCI cả.

Còn BCCI là một trong những “vua đất”, có nhiều quỹ đất sạch lớn nhất nhì ở TP. HCM với khoảng 300ha đất. Đơn vị này cũng có mục tiêu rõ ràng về mức lợi cần phải đạt được trong tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự kết hợp của 2 “ông lớn” này có 3 điều đáng ghi nhận.

Thứ nhất, việc này có thể giúp các bên tận dụng những điểm lợi thế của nhau. BCCI có nhiều quỹ đất giá rẻ và Khang Điền lại rất có kinh nghiệm trong phát triển các dự án trung và cao cấp.

Thứ hai, hoạt động của BCCI những năm gần đây trì trệ, thiếu sự đột phá, còn Khang Điền lại “quá” nhanh nhạy để nắm bắt thị trường.

Thứ ba, quỹ đất vùng Đông TP.HCM đang bị thu hẹp (nơi thế mạnh của Khang Điền lâu nay) và có nhiều đơn vị BĐS cạnh tranh còn vùng Nam và Tây thì có nhiều quỹ đất trống hơn, thuận lợi để phát triển các dự án. Như vậy, việc hợp tác với nhau sẽ đem lại sự phát triển hơn cho mỗi doanh nghiệp.

Đấy là đánh giá của chuyên gia về sự khôn ngoan của Khang Điền trong thương vụ này. Thế nhưng, riêng với vụ việc tăng giá 700% thì sự việc vỡ ra cũng 3 điều.

Thứ nhất, TP. HCM đã có chính sách ưu đãi về giá thuê đất cho các DN bị giải tỏa để bảo vệ môi trường cho khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho các DN này tồn tại và phát triển. Đó là một chủ trương đúng đắn.

Thứ hai, dường như có một thế lực nào đó đang có ý định khai thác, biến sự ưu đãi này thành tài sản riêng của một nhóm lợi ích, vì BCCI hiện nay đã là một Cty cổ phần. Việc đột nhiên tăng giá đến 7 lần được đội dưới cái mũ “giá thị trường” đang chứng minh điều đó.

Thứ ba, mọi chính sách ưu đãi của Nhà nước bao giờ cũng có sự ràng buộc nhất định. Nếu không, đây sẽ rất dễ dàng biến thành môi trường cho những hành vi tham nhũng. Bởi tính sơ 170.225 m2 đất kia, chênh lệch giá cho thuê mỗi năm 1,5 triệu đồng/m2 thì cũng đã hàng trăm tỷ đồng rồi.

Nên nhớ rằng đúng ra, nguồn tiền ấy chính là tiền thuộc ngân sách Nhà nước. Vậy với tài sản “rất nhiều kinh nghiệm” của mình, Khang Điền có đang tính đến nước cờ thiếu bền vững là “lùa” doanh nghiệp vào khu đất của mình 10 năm rồi... để “thịt”?

Với thời thế như hiện nay, mọi hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp đâu phải là thượng sách!

 Theo Nguyễn Hoàng Linh/ BĐS Việt Nam

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục