Tính tới thời điểm hiện tại, lượng khách tới Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán chưa quá đông. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn phòng ốc nếu có ý định tới đây dịp này.
"Tình hình phòng yếu lắm. Hình như, khách mình thay đổi điểm đến rồi. Năm ngoái, chúng tôi kín sạch phòng dịp Tết Âm lịch từ trước 3, 4 tháng. Năm nay, tình hình đặt rất lèo tèo, có ngày chỉ được 10-20 phòng", đại diện bộ phận quản lý đặt phòng của khách sạn Grand Tourane (4 sao) cho biết.
Trao đổi với phóng viên, người này chia sẻ tình hình đặt phòng đã giảm đáng kể từ đợt dịch thứ hai. Sau đợt dịch đầu tiên, khách trở lại Đà Nẵng rất đông. Tuy nhiên, kể từ khi đợt dịch thứ hai bùng phát, lượng khách đã giảm hẳn.
Dịp Tết Âm lịch năm nay, khách sạn này đưa ra mức giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng/phòng/đêm - giữ nguyên so với ngày thường - nhưng cũng không khả quan. Đại diện Grand Tourane chia sẻ mức giá này đã giảm 50-60% so với dịp Tết năm ngoái.
Bà Phan Thị Thanh, Giám đốc khách sạn Sam Grand (3 sao) cũng xác nhận tình trạng tương tự. "Khách đặt cũng có nhưng ít lắm. Khách nước ngoài năm nay không thể tới Việt Nam", bà Thanh trả lời.
Thực tế, câu chuyện Đà Nẵng khó thu hút khách du lịch dịp Tết Âm lịch đã được nhiều chuyên gia trong ngành nhận định từ sớm. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel, lập luận biển là thế mạnh của Đà Nẵng và các tỉnh, thành miền Trung. Tuy nhiên, hiện tại, thời tiết không ủng hộ việc tắm biển. Mặt khác, tâm lý e ngại rõ ràng đã xuất hiện sau khi Đà Nẵng trở thành điểm bùng phát dịch lần thứ hai.
Trả lời Zing, nhiều đại lý chuyên combo du lịch cũng xác nhận tình trạng ít khách chọn Đà Nẵng làm điểm đến.
"Dịp Tết Âm lịch năm nay, lượng khách rất ít. Mọi năm, chúng tôi chẳng còn phòng mà bán. Ảnh hưởng từ đợt dịch nên khách ít chọn Đà Nẵng hơn. Mùa này, Đà Nẵng cũng không quá đẹp. Họ có thể đi vào dịp khác", anh Quân, đại diện Army Travel, một công ty chuyên combo du lịch, chia sẻ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart, vẫn tỏ ra khá lạc quan. Theo ông Dũng, việc Đà Nẵng không hút khách chỉ là nhận xét mang tính chủ quan.
"Hiện nay, Đà Nẵng vẫn đang triển khai loạt sản phẩm mới. Hiệp hội đánh giá khả năng hút khách dịp Tết Âm lịch không kém hàng năm. Khách các khu vực miền Nam, miền Bắc có thể giảm đi. Tuy nhiên, lượng khách đến từ các khu vực lân cận vẫn ở mức cao", ông Dũng khẳng định.
Đại diệp Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết thành phố đang triển khai nhiều chương trình hấp dẫn nhắm vào thị trường khách trong nước. Điều này không giống như mọi năm khi 3 thị trường khách quốc tế lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đầy đủ.
Ông Dũng nhấn mạnh khách du lịch Đà Nẵng dịp này sẽ có thêm nhiều trải nghiệm lạ nhưng mức giá vẫn rất tốt. Về vấn đề thời tiết, ông Dũng cho biết tài nguyên của Đà Nẵng vốn không thay đổi. Dịp Tết Âm lịch vẫn là thời điểm tốt để du khách đến thành phố này.
"Đà Nẵng hiện có thời tiết đẹp, trời mát, nắng nhẹ. Dĩ nhiên, việc tắm biển vẫn sẽ bị hạn chế. So với các thị trường du lịch lớn, Đà Nẵng đã là điểm đến quen thuộc. Do đó, nhiều khách đã đi Đà Nẵng nên cũng có xu hướng chọn điểm đến mới. Hiện tại, các bãi biển khu vực miền Nam sẽ phù hợp hơn cho nhu cầu tắm. Tuy nhiên, theo tôi, đây vẫn là thời điểm đẹp để du lịch Đà Nẵng", ông nói.
Trao đổi với Zing, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh không có chuyện khách Việt đã "quên" Đà Nẵng. Tâm lý tiêu dùng của khách đúng là đã bị ảnh hưởng sau đợt dịch thứ 2 nên e dè hơn khi chọn Đà Nẵng. Tuy nhiên, thành phố đang nỗ lực trở lại với hình ảnh điểm đến an toàn và đặt lợi ích của du khách lên hàng đầu.