Khách quốc tế giảm 80%, du lịch Việt Nam tổn thất 23 tỷ USD năm 2020

Với thị trường quốc tế, cần cơ cấu lại theo nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm cụ thể, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Với thị trường quốc tế, cần cơ cấu lại theo nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm cụ thể, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện mới đây cho biết trong năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD. 

Cần cơ cấu lại thị trường du lịch

Tại Hội nghị du lịch toàn quốc, khai mạc tại tỉnh Quảng Nam mới đây, các đại biểu khuyến nghị du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa vào tổng thu du lịch.

Trong khi đó, với thị trường khách quốc tế, nhiều ý kiến đề nghị cần cơ cấu lại theo nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm du lịch cụ thể, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch hội nghị - hội thảo, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cần cơ cấu lại ngành du lịch hậu Covid-19. Ảnh: Dân Trí
Cần cơ cấu lại ngành du lịch hậu Covid-19. Ảnh: Dân Trí

Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Qua đại dịch Covid-19, càng thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan.

Thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương thức đầu tư, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đạt chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng du lịch mới hậu Covid-19.

Thúc đẩy chuyển đổi số để "cứu" ngành du lịch

Việc chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm là yêu cầu mang tính chất sống còn đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch.

Trong thời gian tới ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch; xúc tiến hợp tác với các hãng công nghệ, hãng du lịch trực tuyến trong việc quảng bá du lịch; phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hội thảo, các hoạt động truyền thông về việc đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh du lịch.

Cầu Vàng, Đà Nẵng. Ảnh: Du lịch Việt Nam.
Cầu Vàng, Đà Nẵng. Ảnh: Du lịch Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các địa phương cũng cần tăng tốc chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương, hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông giữa Trung ương và địa phương và có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp khai thác, phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch. Việc nghiên cứu thị trường khách du lịch và việc số hóa cơ sở dữ liệu về thị trường khách du lịch chưa cần cập nhật thường xuyên, đồng bộ…

Tác giả:Văn Hưng

Travelmag
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục