Quẹt thẻ tín dụng chịu lãi 650%/tháng?
Phản ánh trên Diễn Đàn đầu tư, một khách hàng lâu năm của Ngân hàng HSBC Việt Nam tên Phan Dũng Khánh làm trong ngành tài chính, cho biết: Mới đây anh bất ngờ vướng vào tình huống hy hữu khi sử dụng thẻ tín dụng của nhà băng này.
Sự việc bắt đầu từ tháng 4 khi anh Khánh sử dụng thẻ tín dụng HSBC để thực hiện một số giao dịch thanh toán với tổng số tiền 100.442.158 đồng, kỳ hạn trả trước 16/5.
Đến ngày 7/5, anh Khánh đã mang tiền nộp vào tài khoản thông qua ATM của ngân hàng. Vì hạn mức nộp tiền qua ATM tối đa mà HSBC quy định là 100 triệu đồng/ngày. Số dư nợ thẻ tín dụng tháng 4 của anh vẫn còn hơn 400.000 đồng.
ù đã thanh toán 100 triệu đồng đúng hạn, khách hàng vẫn phải trả lãi cho cả khoản hơn 100,4 triệu đồng.
Do chủ quan nghĩ rằng số tiền 400.000 đồng không quá lớn, tiền lãi trả chậm không đáng là bao, nên anh Khánh đã để đến kỳ sao kê tháng 5 mới trả. Cũng trong thời gian đó, anh Khánh tiếp tục dùng thẻ tín dụng thanh toán thêm các khoản với giá trị 27 triệu đồng.
Đến ngày 21/5, anh Khánh tá hỏa khi nhận bản sao kê thanh toán từ phía ngân hàng. Bản sao kê yêu cầu khách hàng phải thanh toán số tiền lãi thẻ tín dụng lên tới 3 triệu đồng, nghĩa là lãi tới gần 650%/tháng.
“Số tiền lãi phải trả gấp tới 7,5 lần số tiền gốc tôi còn nợ là hơn 400.000 đồng, nghĩa là tới gần 650%/tháng. Tôi gọi ngân hàng khiếu nại thì họ giải thích là tiền lãi được tính trên cả phần 100 triệu đồng của tháng trước mà tôi đã thanh toán, cộng với 400.000 đồng còn nợ lại, và 27 triệu của tháng này. Mặc dù số tiền 27 triệu đồng này phải đến giữa tháng 6 mới tới hạn trả”, anh Khánh bức xúc bày tỏ.
Trước vụ việc này, nhiều người cũng bày tỏ sự "choáng ngợp"trước cách tính tiền lãi thẻ tín dụng của HSBC tại Việt Nam.
Phản ánh của cộng đồng mạng về sự việc này (Ảnh chụp màn hình).
HSBC tính lãi hợp lý?
Có thể thấy, HSBC áp dụng cách tính lãi trên tổng số tiền khách chi tiêu trong tháng (trường hợp của anh Khánh là hơn 100,4 triệu đồng) chứ không phải số tiền còn nợ (hơn 400 nghìn đồng), nên lãi suất mà ngân hàng này tính cho khoản vay anh Khánh chưa đến 650%/tháng như khách hàng phản ánh mà vẫn đang trong mức quy định (lãi quá hạn không được tính quá 150% lãi trong hạn).
Hiện nay, lãi suất thẻ tín dụng HSBC năm 2019 được chia làm 3 mức, gồm thẻ Visa Bạch Kim lãi suất là 27,8%/năm; thẻ Visa Vàng lãi suất là 28%/năm; thẻ Visa lãi suất chuẩn là 31,2%/năm.
Thực tế, nhiều chuyên viên thẻ tín dụng của các ngân hàng thương mại cho biết không chỉ HSBC áp dụng cách tính lãi trên mà nhiều ngân hàng khác như Standard Chartered, Citibank, ACB, MBBank… đều áp dụng chính sách tương tự với thẻ tín dụng.
Theo đó, nếu sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hàng chục triệu đồng nhưng đến hạn không trả đủ số tiền đã quẹt, khách sẽ phải chịu mức lãi suất tính trên tổng số tiền đã chi tiêu của tháng trước đó.
Trường hợp của anh Khánh có thể đã đăng ký thẻ tín dụng và hình thức thanh toán toàn bộ dư nợ vay khi đến kỳ. Vì vậy, nếu thanh toán thiếu số dư nợ đã vay thì mức lãi suất sẽ tính trên toàn bộ phần dư nợ đã thanh toán theo quy định giữa hai bên.
Tương tự, anh Hoàng Văn Minh ở quận Tây Hồ cho biết, anh sử dụng thẻ tín dụng (credit card) mua hàng trước và trả tiền sau mà không bị tính lãi có thời hạn của một ngân hàng từ nhiều năm nay, với hạn mức đăng ký ban đầu với ngân hàng là 50 triệu VND.
Sau đó, anh đã sử dụng thẻ để mua hàng hết gần 30 triệu VND, tuy nhiên do không nhớ rõ hạn mức cam kết với ngân hàng khi trả là tối thiểu hay toàn bộ một lần nên anh Minh chỉ trả mức tối thiểu.
Ba tháng sau, Anh nhận được thông báo của ngân hàng cho biết anh có khoản nợ xấu phải thanh toán. Ngay lập tức anh Minh đã đến ngân hàng và trả số tiền còn nợ cũng như tiền lãi phát sinh.
Qua sự việc này, khách hàng nên tìm hiểu kỹ các chính sách trước khi sử dụng các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thẻ tín dụng để tránh rủi ro về sau. Bởi mỗi ngân hàng đều có một mức lãi suất khác nhau tùy vào giá trị thẻ tín dụng của bạn là bao nhiêu, nhưng nhìn chung, đó đều là số tiền không hề nhỏ.
Hà Phương (t/h)