Khách hàng của Deaura: Cẩn thận không thành con nợ của VPBank

Nhiều khách hàng phản ánh, khi được mời đến các cơ sở của Công ty TNHH Deaura trên địa bàn TP. Hà Nội để được trải nghiệm sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, họ đều được nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng của Deaura cho biết có sự bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bằng cách cho vay tiêu dùng cá nhân để mua sản phẩm ở đây. Bỏ ra 43 triệu đồng để chăm sóc sắc đẹp, chưa biết hiệu quả thế nào nhưng họ sẽ trở thành con nợ của VPBank khi dừng việc chăm sóc và sử dụng sản phẩm của Deaura.

Theo phản ánh của chị Hoàng Thu Hường, ở ngõ 66 phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (TP.Hà Nội), chị được nhân viên  của Công ty TNHH Deaura (89 Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, Hà Nội) mời đến để nghe tư vấn về chăm sóc da và trải nghiệm sản phẩm. Tại đây, sau khi nghe nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng của Deaura hỏi thăm về tình trạng sức khỏe, về hiện trạng của da và một số thông tin liên quan khác, được trải nghiệm sản phẩm, chị được nhân viên tư vấn giới thiệu về bộ sản phẩm chăm sóc da của Deaura, liệu trình chăm sóc da khi mua bộ sản phẩm này.

Khách hàng của Deaura: Cẩn thận không thành con nợ của VPBank - Ảnh 1

Khách hàng của Deaura: Cẩn thận không thành con nợ của VPBank - Ảnh 2
Giấy đăng ký vay tiêu dùng của khách hàng.

Với tổng số tiền lên đến 43 triệu đồng, khách hàng sẽ được Deaura bán cho 10 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm chăm sóc da, dụng cụ đựng, mỹ phẩm và 12 lần trị liệu miễn phí trong thời gian 12 tháng kể từ ngày mua hàng hóa dịch vụ. Nếu khách hàng giới thiệu thêm người bạn mua sẽ được Deaura tặng thêm số lần điều trị tương ứng. Theo giới thiệu của Công TNHH Deaura, các sản phẩm chăm sóc da ở đây đã được Bộ Y tế cấp phép và phân phối độc quyền tại các trung tâm.

Điều làm cho chị Hường phân vân và có sự nghi ngờ, khi nhân viên tư vấn ở đây nói với chị: Khi mua sản phẩm và chăm sóc tại các trung tâm của Deaura, khách hàng không phải trả tiền mà sẽ được bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bằng cách, ngân hàng sẽ cho vay tiêu dùng cá nhân và mở tài khoản tại ngân hàng này, số tiền cho khách hàng vay bằng với số tiền mua sản phẩm chăm sóc da của Deaura. Thời gian cho vay bằng với thời gian trị liệu của khách hàng. Số tiền khách hàng vay của ngân hàng được giải ngân vào tài khoản của Công ty Deaura.

Khi chị Hường tỏ ý nghi ngờ và thắc mắc, bởi lẽ số tiền mua sản phẩm sẽ được chị thanh toán cho mỗi lẫn đi trị liệu ngay tại trung tâm và không lớn lắm, chỉ trên dưới 2 triệu đồng, vậy tại sao lại phải làm hợp đồng để vay tiêu dùng cá nhân tại VPBank?

“Nếu trong quá trình thực hiện trị liệu việc chăm sóc da, bản thân tôi thấy không có hiệu quả hoặc vì một lý do nào đó tôi không tiếp tục chăm sóc da tại đây nữa thì đương nhiên tôi sẽ trở thành “con nợ” của VPBank hay sao?”, chị Hường thắc mắc. Trấn an cho chị Hường, nhân viên ở đây nói với chị, đây chỉ là hình thức thôi.

Cùng với những thắc mắc trên của chị Hường, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết,  chị Đinh Hiền, ở quận Nam Từ Liêm, cũng là khách hàng của Deaura. Chị cho biết: Khi tôi đến Trung tâm Deaura tại số 99 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng sau khi trao đổi với tôi về gói sản phẩm và liệu trình chăm sóc da, đã yêu cầu tôi ký ngay hợp đồng vay tiền cho tiêu dùng với VPBank. Mọi thủ tục hồ sơ thẩm định đối với tôi được thực hiện rất nhanh chóng. Tôi chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân là ngân hàng đã hoàn thiện xong hồ sơ để tôi ký. Thời hạn ngân hàng cho vay là 18 tháng, số tiền vay 43 triệu đồng, ngân hàng sẽ giải ngân vào tài khoản của Công ty Deaura.

Thắc mắc của chị Đinh Hiền cũng giống như chị Hoàng Thu Hường, khi ký hợp đồng vay tiền cho tiêu dùng để mua sản phẩm của Deaura, ngân hàng sẽ giải ngân vào tài khoản của Công ty TNHH Deaura, khách hàng có trách nhiệm trả cả gốc và lãi cho ngân hàng thông qua việc trị liệu mỗi tháng một lần.

Điều lạ lùng là, khi chị Hiền đã thanh toán số tiền hơn 2 triệu đồng cho Trung tâm Deaura số 99 Trần Thái Tông lại không hề nhận được tin nhắn của ngân hàng báo cho khách hàng đã thanh toán.

Theo như Deaura khẳng định: Deaura chỉ thu hộ cho ngân hàng, số tiền khách hàng trả hàng tháng cho mỗi lần đi trị liệu tương đương với số tiền trả cả gốc và lãi cho ngân hàng, và được ngân hàng thông tin lại qua tin nhắn để khách hàng tiện theo dõi khoản đã vay, nhưng khách hàng lại không nhận được tin nhắn này… Vậy việc ngân hàng giải ngân vào tài khoản của Deaura có chuẩn xác? Hay chỉ là cái vỏ bọc để trói buộc khách hàng đã đặt bút ký là không có đường lui?

Khác với hai trường hợp trên, chị Hoàng Hà (Cầu Giấy) thì bức xúc cho rằng: “Deaura bán hàng như lừa đảo khách hàng, dụ khách hàng đến rồi bán hàng như ép. Do họ gọi liên tục nên tôi cũng thử đến xem thế nào. Thấy gọi cho tôi khó, họ còn khẳng định chị cứ đến đây, chị không phải mất tiền mua bất cứ một sản phẩm nào cũng như không phải trả tiền cho dịch vụ gì, chị chỉ cần mang theo chứng minh thư… Vậy mà khi đến, họ như muốn ép tôi phải mua sản phẩm, cố tình giữ chứng minh thư của tôi. Tôi phải nói dối là cứ đưa chứng minh thư cho chị để chị ra ngân hàng rút tiền thì mới lấy lại được chứng minh thư. Bán hàng như vậy tôi không dám đến lần thứ hai”.

Có hay không việc liên kết giữa Deaura với VPBank để ép khách hàng  mua sản phẩm khi đến trải nghiệm sản phẩm và chăm sóc da tại Deaura? Nếu trong quá trình chăm sóc da tại đây, người tiêu dùng có thể không thích hợp với sản phẩm của Deaura và dừng lại khi đã ôm một “đống hàng” thì nguy cơ người tiêu dùng trở thành “con nợ” của VPBank là rất cao.

Để có thông tin về việc liên kết này giữa VPBank và Deaura có điều gì khuất tất, phóng viên báo Kinh tế nông thôn sẽ làm việc với các cơ quan chức năng.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.

Theo Phạm Ngọc Thủy/Kinh tế nông thôn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục