Kênh bancassurance đang chạy quá nhanh: Cảnh báo những rủi ro!

Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đang phát triển nở rộ, đóng góp doanh thu quan trọng cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, kênh phân phối này cũng tiềm ẩn những mối lo nhất định cho các bên.

Thời gian qua, thị trường tài chính trong nước đã ghi nhận nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Nhiều công ty bảo hiểm đã ký những hợp đồng hợp tác độc quyền có giá trị hàng nghìn tỷ đồng với ngân hàng.

Chẳng hạn, Techcombank phân phối độc quyền cho Manulife, VietinBank hợp tác với Aviva, HDBank và Sacombank với Dai-ichi Life hay OCB với Generali… Những gói hợp tác trên có thời hạn phổ biến từ 15 - 20 năm.

Mới đây nhất, Vietcombank chính thức ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD. Đây là thương vụ bancassurance có giá trị lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với giá trị đàm phán ban đầu khoảng 420 triệu USD, ước tính trên 1 tỷ USD thu ròng qua quá trình hợp tác.

Vietcombank là "mồi ngon" duy nhất còn lại đối với các công ty bảo hiểm. Bởi đây là nhà băng lớn, với mạng lưới chi nhánh phủ khắp cả nước, có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của kênh bancassurance ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Dù đầy tiềm năng, nhưng bancassurance cũng tiềm ẩn những mối lo ngại cho các ngân hàng.

Kênh bancassurance đang chạy quá nhanh: Cảnh báo những rủi ro! - Ảnh 1

Vietcombank hợp tác với FWD ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trong 15 năm.

Mối lo khi cuộc đua bancassurance tăng tốc

Bancassurance đang là kênh phân phối được hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng phát triển. Việc liên kết bán chéo này thực sự vẫn còn một số hạn chế.

Mối lo đầu tiên khi áp dụng kênh bancassurance mà các công ty bảo hiểm cần lưu tâm, đó là vấn đề tư vấn. Trong khi nhân viên ngân hàng tranh thủ tiếp thị, chào bán để tăng nguồn thu từ hoa hồng mà công ty bảo hiểm chiết khấu lại, thì việc phục vụ sau bán hàng chưa được quan tâm đúng mực.

Bởi lẽ, khi mua bảo hiểm, khách hàng cần phải được tư vấn thấu đáo nhưng hầu hết nhân viên ngân hàng khi đi bán bảo hiểm đều bỏ quên việc tư vấn cặn kẽ cho khách. Các nhân viên ngân hàng dù sao vẫn không thể am hiểu sản phẩm, dịch vụ bằng những nhân viên bảo hiểm thực thụ.

Thực tế, các ngân hàng bán được bảo hiểm nhân thọ nhờ vào niềm tin của khách hàng đối với họ, còn những vấn đề sau đó lại là của công ty bảo hiểm.

Đáng chú ý, người bán hàng trực tiếp không phải là nhân viên công ty bảo hiểm nên khách hàng có phàn nàn cũng chỉ là tới nhân viên ngân hàng.

Thực tế, đã có một số vụ doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải bồi thường cho khách hàng do xuất phát từ sai sót trong quá trình tư vấn của nhân viên ngân hàng hợp tác phân phối sản phẩm với doanh nghiệp bảo hiểm.

Hơn nữa, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng, nhân viên tín dụng thường "gợi ý" tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Có thể, trong lúc trao đổi giữa hai bên đã có sự biến tướng nên đã làm mất đi tính tự nguyện tham gia hợp đồng của khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng thường “ngậm bồ hòn làm ngọt” và có trường hợp dừng hợp đồng bảo hiểm ở năm thứ hai.

Thậm chí, nhiều người đi vay tiền ngân hàng, khi hoàn tất các thủ tục cần thiết thì được thông báo, phải mua bảo hiểm khoản vay thì mới được giải ngân.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng TPBank, người vay phải mua bảo hiểm khoản vay với mức từ 3%-6% của số tiền vay.

Ngoài ra, các khoản bảo hiểm trả trước, đặc biệt là các khoản bảo hiểm trả một lần khi được ngân hàng hạch toán sẽ làm thu nhập (kéo theo là lãi thuần) từ hoạt động bảo hiểm tăng lên đột biến. Do đây là khoản lợi nhuận ở tương lai được ghi nhận trước nên có phần bị “khống” lên so với thực tế.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng nên xem xét lại chính sách phát triển để kênh phân phối bancassurance phát triển nhanh nhưng không tồn tại các mối lo ngại.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục