Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đa phần ngân hàng đều cho biết, chưa có ý định tăng thêm phí trong năm 2015, song một vài ngân hàng vẫn để ngỏ khả năng này. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: "Chúng tôi đang cân nhắc việc có tăng thu phí hay không vào đầu năm 2015. Nếu tăng, thì không chạm trần 3.000 đồng/giao dịch. Hiện đầu tư ATM của chúng tôi đang lỗ".
Theo lập luận của các ngân hàng, nếu dựa theo chi phí đầu tư mà ngân hàng bỏ ra, khách hàng phải trả 7.000- 8.000 đồng/lần rút tiền, thì ngân hàng mới hòa vốn.
Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, ngân hàng không chỉ "sống nhờ" vào phí ATM. Đây là lý do ngân hàng luôn miệng kêu lỗ vì ATM, song thực tế, ngân hàng nào cũng ra sức đẩy mạnh phát hành thẻ, giành giật khách hàng. Lý do là, ngay cả khi chưa thu phí, ngân hàng đã kiếm lợi rất nhiều từ ATM.
Thứ nhất, hầu hết ngân hàng đều yêu cầu khách hàng duy trì số dư tài khoản thẻ là 50.000 đồng/thẻ. Thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 10/2014, trên thị trường đã có 50 tổ chức phát hành thẻ với số lượng trên 77,3 triệu thẻ đã được phát hành, gần 15.900 máy ATM. Nếu nhân số thẻ này với số dư tối thiểu (50.000 đồng/thẻ), thì hệ thống ngân hàng đã "chiếm dụng" gần 3.900 tỷ đồng của khách hàng với lãi suất siêu rẻ (0,8%/tháng). Mức lãi suất này, nếu so với lãi suất cho vay trung bình 10%/năm như hiện nay, ngân hàng đang hưởng siêu lợi nhuận.
Thứ hai, khách hàng sử dụng thẻ ATM thường không chỉ để trong tài khoản 50.000 đồng, mà luôn duy trì số tiền lớn hơn, ít nhất cũng một vài triệu đồng. Một thống kê của NHNN đưa ra năm 2013 cho thấy, tổng số dư trong thẻ ATM của các ngân hàng lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Số tiền này của khách hàng cũng chỉ trả lãi theo hình thức không kỳ hạn với giá rất rẻ. Như vậy, cộng cả hai loại tiền, hệ thống ngân hàng đang có nguồn vốn giá rẻ gần 100.000 tỷ đồng từ hệ thống thẻ ATM để cho vay lại với giá cao gấp 10 lần.
Bên cạnh đó, với "rừng phí" thẻ ATM hiện nay (trung bình mỗi thẻ ATM đang gánh 20-25 loại phí), nguồn lợi mà các ngân hàng thu về hàng năm không nhỏ.
Đơn cử, tại Vietcombank, lượng giao dịch qua thẻ trung bình 250.000-300.000 giao dịch/ngày, riêng dịp Tết lên tới 800.000 giao dịch/ngày. Mỗi giao dịch hầu như đều "đẻ" ra tiền cho ngân hàng (rút nội mạng là 1.100 đồng/lần, ngoại mạng là 3.300 đồng/lần, chuyển khoản 3.300 đồng/lần…).
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, thời gian tới, các ngân hàng không nên tăng thu các loại phí, thậm chí, nên miễn tất cả các loại phí với ATM, trừ phí rút tiền mặt (để hạn chế thanh toán tiền mặt). Việc thu quá nhiều loại phí với thẻ ATM sẽ khiến người dân e ngại sử dụng thẻ, đi ngược với chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng.
Khách quan hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, chi phí mà ngân hàng đầu tư cho mạng lưới ATM rất lớn và mức phí 1.000-3.000 đồng/giao dịch hiện nay là chưa đủ. Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, ngân hàng được hưởng lợi rất lớn vì vốn rẻ nằm trong ATM và các dịch vụ khác. Chính vì vậy, theo chuyên này, Việt Nam nên giảm bớt nhiều loại phí ATM.
Một lý do nữa khiến khách hàng phiền lòng khi nghe đến phí ATM là chất lượng dịch vụ ATM vẫn rất chậm cải thiện. Mới đây, NHNN đã ban hành Dự thảo Thông tư về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, trong nhiều trường hợp, cá nhân 11-15 tuổi sẽ được cấp thẻ. Điều này đồng nghĩa, ngân hàng lại sắp có thêm một lượng lớn khách hàng.
Mặc dù lĩnh vực thẻ phát triển rất nhanh chóng thời gian qua, song hầu hết các ngân hàng chỉ chạy theo phát triển số lượng thẻ mà chưa đầu tư vào chiều sâu. Theo ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm Thẻ và Dịch vụ tài khoản cá nhân Techcombank, cả nước hiện nay chỉ có khoảng 4 triệu thẻ tín dụng được phát hành.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, số thẻ ghi nợ hiện chiếm tới hơn 90% tổng số lượng thẻ, trong đó thẻ ảo chiếm tới ít nhất 30%.
Theo Đầu Tư