James Gorman đã "cứu" Morgan Stanley như thế nào?

(Kinhdoanhnet) - Đảm nhận vị trí CEO của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley trong cơn sóng gió khi thua lỗ hàng tỷ USD, nhưng với tài năng của mình, James Gorman đã chứng tỏ những quyết định cứng rắn của ông là hoàn toàn đúng đắn.

Nghiêm túc

Gorman sinh ra trong một gia đình có 10 anh chị em ở Melbourne, Úc. Lớn lên, ông theo đuổi ngành luật và có một thời gian ngắn theo nghề luật ở Úc trước khi sang New York học Trường Kinh doanh Columbia. Ông đầu quân cho hãng tư vấn McKinsey. Năm 1999, sau hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn, ông về làm cho Merrill Lynch, một khách hàng của McKinsey với vị trí Giám đốc Marketing.

James Gorman đã "cứu" Morgan Stanley như thế nào?  - Ảnh 1
James Gorman, CEO của Morgan Stanley

Chỉ trong vòng 2 năm, ông được giao trọng trách giám sát lực lượng môi giới hùng hậu của ngân hàng này với vai trò là người đứng đầu mảng quản lý tài sản. Phục vụ cho nhiều loại đối tượng khách hàng bán lẻ đã đưa Merrill trở thành một cái tên hộ gia đình, nhưng dưới sự điều hành của ông, bộ phận quản lý tài sản đã chuyển hướng sang tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp hơn.

Với sự trỗi dậy của hàng loạt các công ty dịch vụ tài chính, những năm tháng huy hoàng ở Merrill cũng dần chấm dứt. Gorman đã đối phó bằng cách sàng lọc lực lượng môi giới và cắt đứt các khoản chi tiêu xa xỉ xưa nay của họ. Biên lợi nhuận nhờ đó mà tăng trở lại, nhưng những thay đổi mà ông thực hiện ở Merrill khiến cho ông không có nhiều bạn bè.

Gorman không phải là kiểu người thích tham gia các buổi tiệc tùng. Ông luôn nghiêm túc với đồng nghiệp, thậm chí có một chút xa cách và có thể là một ông chủ đòi hỏi rất cao. “Nếu muốn một phong cách thân thiện kiểu như vỗ vai, hỏi han thì bạn đừng mong tìm thấy điều đó ở James”, một nhà tài chính lâu năm ở Phố Wall nhận xét.

Sau khi bước vào lãnh địa Morgan Stanley mới được vài năm, Gorman được thăng chức lên vị trí đồng Chủ tịch, nâng sức ảnh hưởng của ông và đưa ông vào nhóm các nhà điều hành được báo cáo trực tiếp cho CEO John Mack. Khi đó, Gorman đã tuyên bố một thông điệp rất thẳng thừng: Trong lĩnh vực quản lý tài sản, Morgan Stanley phải trở thành một ông lớn, còn không thì rút về nhà. Ông nói “chúng ta không thể là kẻ đứng giữa nửa vời”.

Thông điệp của Gorman rất rõ ràng: ông quan tâm nhiều đến các con số, hơn là làm đẹp lòng mát dạ những chuyên viên giao dịch “con cưng”.

Gần 4 năm sau, Morgan Stanley đã đạt kết quả kinh doanh rất khả quan. Ngân hàng đầu tư suýt nữa là phá sản vào năm 2008 này giờ đã mang một bộ mặt rất khác. Thay vì chơi trò mạo hiểm ở thị trường giao dịch trái phiếu sinh lợi cao nhưng đầy rủi ro, Gorman đã và đang tập trung vào các cách kiếm tiền an toàn hơn. Các chuyên viên môi giới chứng khoán của Morgan Stanley giờ là những người đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của Ngân hàng.

Quyết đoán

Đến nay, Morgan Stanley đã đạt xấp xỉ quy mô về doanh thu so với đối thủ trực tiếp Goldman Sachs, với mức doanh thu dự kiến dưới 33 tỉ USD trong năm 2014. Morgan Stanley cũng đã qua mặt Goldman trong những năm gần đây khi được xếp thứ nhất tại Phố Wall về bảo lãnh phát hành cho các đợt IPO liên quan đến lĩnh vực công nghệ.

Để có được kết quả này, Gorman đã có những quyết định rất khó khăn. Năm 2012, ông đã phải quyết định xem trong số 2 nhà điều hành không ưa gì nhau là Colm Kelleher và Paul Taubman, ai sẽ là người điều hành bộ phận ngân hàng đầu tư và giao dịch của Morgan Stanley. Gorman đã chọn Kelleher vì cho rằng Kelleher là nhà quản lý giỏi hơn. Ông chấp nhận để cho Taubman ra đi dù biết rằng Taubman là một chuyên gia đàm phán xuất sắc.

"James luôn phải đưa ra các quyết định rất khó khăn, biết rất rõ rằng có thể sẽ có hậu quả từ các quyết định này và ông sẵn sàng hứng chịu nếu điều đó xảy ra", Lewis W. Bernard, một nhà điều hành cấp cấp cao tại Morgan Stanley, nhận xét.

Trong khi đó, ông Brian Pfeifler, nhà tư vấn tài chính cấp cao tại Morgan Stanley thì nhận xét: "Một CEO giỏi có 4-5 quyết định quan trọng phải đưa ra. Và James đã có những quyết định lớn rất đúng đắn".

N.T (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục