Sau cuộc đàm phán kéo dài ở Thụy Sỹ, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã nhất trí về khung thỏa thuận lịch sử liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.
Các đại biểu tham gia vòng đàm phán hạt nhân chụp ảnh kỉ niệm
Sự kiện này đánh dấu bước đột phá lớn trong mối quan hệ bế tắc kéo dài 12 năm giữa Iran và phương Tây cũng như dấy lên tia hy vọng rằng, thỏa thuận trên có thể giúp ổn định tình hình ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh văn kiện này, coi đây là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.
Phát biểu của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo bất thường tại Vườn Hồng của Nhà Trắng cho biết thỏa thuận khung đạt được ngày 2/4 liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, sau 18 tháng nỗ lực ngoại giao “gay cấn và có nguyên tắc,” là một kết quả mang tính lịch sử, góp phần làm cho thế giới trở nên an toàn hơn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Ông chủ Nhà Trắng ví thỏa thuận này giống như Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, dẫn tới tránh được một nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Thủ tướng Đức Merkel nhận định thỏa thuận khung đạt được với Iran là "một bước tiến quan trọng" đưa cộng đồng quốc tế tới gần nhất từ trước tới nay mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh thỏa thuận khung trên, cho rằng đây là động thái công nhận "quyền vô điều kiện" của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự.
Người dân Iran ăn mừng sau thỏa thuận
Hàng trăm người dân Iran đã đổ ra đường phố ở Thủ đô Tehran ăn mừng sau khi thỏa thuận trên được thông báo. Theo kế hoạch, vào ngày 30/6, Iran và nhóm P5+1 sẽ tiến tới một thỏa thuận hoàn chỉnh hơn, trong đó bao gồm các nội dung chính được nhất trí trong lần đàm phán ở thành phố Lausanne lần này.
Phương Anh (TH)