Ì ạch cổ phần hóa, đầu tư tài chính thua lỗ, Agribank vẫn muốn sánh lợi nhuận với Vietcombank?

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đầu tư tài chính không hiệu quả, cổ phần hoá chậm, trong khi có tới 5/6 công ty con kinh doanh thua lỗ.

Năm 2019 ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm ngoái, cao hơn so với mục tiêu 9.500 tỷ đồng mà VietinBank - một ngân hàng luôn có lợi nhuận cao hơn Agribank rất nhiều giai đoạn 2017 trở về trước.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của Agribank khá tương đồng với mục tiêu 10.200 tỷ của BIDV, 9.500 tỷ và của Vietinbank. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn kém xa mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng của Vietcombank.

Ì ạch cổ phần hóa, đầu tư tài chính thua lỗ, Agribank vẫn muốn sánh lợi nhuận với Vietcombank? - Ảnh 1


Được biết mới đấy, KTNN đã có báo cáo gửi Quốc hội kỳ họp thứ 7, khóa 15 về kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2018 tại các ngân hàng. Đáng chú ý, theo đánh giá của KTNN, hoạt động đầu tư tài chính của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) không hiệu quả.

Cụ thể, theo số liệu kiểm toán, Agribank đầu tư 2.391 tỉ đồng vào 6 công ty con, cổ tức/lợi nhuận được chia năm 2017 chỉ vỏn vẹn có 12 tỉ đồng, trong khi trích lập dự phòng đầu tư tài chính bằng 30,37% giá trị đầu tư.

KTNN cho biết, phân loại nợ của Agribank chưa chính xác, cơ quan kiểm toán đã tiến hành điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 1.254,5 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 703,6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 55,4 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 4 là 100,4 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 5 là 595,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN cho biết, hầu hết chi nhánh của Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, hỗ trợ lãi suất sai quy định. Điều này thể hiện qua một số khoản vay của ngân hàng này thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Đồng thời, Agribank trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng. Do đó, KTNN đã điều chỉnh tăng chi phí dự phòng cụ thể 341,5 tỷ, giảm chi phí dự phòng chung 4,9 tỷ đồng.

Mặt khác, Agribank bị cho là hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác khi hạch toán thừa lãi dự thu 136 tỷ. Nhà băng này cũng vi phạm quy định về giới hạn góp vốn khi nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.

Đặc biệt, có 5/6 công ty con lỗ lũy kế gồm: Công ty tài chính ALC I lỗ 713 tỉ đồng, Công ty ALC II lỗ 12.464 tỉ đồng (đã xong thủ tục phá sản), Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng nông nghiệp 469 tỉ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam 113 tỉ đồng, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản lỗ 6,3 tỉ đồng. Riêng khoản đầu tư 47 tỉ đồng vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bị mua lại giá 0 đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này bị phát hiện ra các sai phạm nghiêm trọng. Trước đó, vào năm 2017 KTNN cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về chi phí dự phòng rủi ro, nợ xấu, trình tự, thủ tục cho vay,...

Hà Phương (t.h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục