'Huyền thoại' Vodka Hà Nội một thời đang ngập trong thua lỗ

Trong 5 năm trở lại đây, Halico - đơn vị sở hữu các thương hiệu rượu đình đám một thời như Vodka Hà Nội, Lúa Mới… liên tục chìm ngập trong thua lỗ.

Trong khi vốn điều lệ chỉ là 200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 410 tỷ đồng thì tổng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2019 của Halico đã lên tới 402,9 tỷ đồng.

'Huyền thoại' Vodka Hà Nội một thời đang ngập trong thua lỗ - Ảnh 1
Có lợi thế trên 120 tuổi đời song Halico đang dần thất thế trên thị trường rượu

 

Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2019 của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội – Halico (mã chứng khoán: HNR) vừa công bố cho thấy, kết quả kinh doanh của “ông lớn” ngành rượu vẫn không mấy khả quan.

Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2019, Halico đạt doanh thu thuần xấp xỉ 33 tỷ đồng, trong khi giá vốn đã lên tới gần 27,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận còn 5,3 tỷ đồng.

Cộng thêm được 1,2 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính thì chi phí bán hàng của Halico đã lên tới 10,2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là 4,8 tỷ đồng. Như vậy, tính ra, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính chưa bù được chi phí phát sinh.

Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh mà Halico ghi nhận trong quý IV/2019 ở mức 8,5 tỷ đồng. Con số này dù vậy cũng đã giảm đáng kể so với mức lỗ thuận 21,5 tỷ đồng của cùng kỳ 2018.

Kết thúc quý IV/2019, Halico thua lỗ 8,07 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Halico đạt doanh thu xấp xỉ 40 tỷ đồng nhưng thua lỗ nặng tới 23,5 tỷ đồng. Nói cách khác, năm nay mặc dù công ty này bị sụt giảm doanh thu nhưng lại hạn chế được phần nào thua lỗ so với quý IV/2018.

'Huyền thoại' Vodka Hà Nội một thời đang ngập trong thua lỗ - Ảnh 2
Kết quả kinh doanh bết bát của Halico trong năm 2019

 

Tổng kết cả năm 2019, Halico đạt doanh thu thuần 127,7 tỷ đồng, giảm 7,9% so với năm 2018 và thua lỗ 64,1 tỷ đồng, không hề đóng góp “đồng thuế thu nhập doanh nghiệp” nào cho ngân sách nhà nước. Trước đó, trong năm 2018, Halico lỗ 78,4 tỷ đồng.

Với hoạt động kinh doanh bết bát trong những năm gần đây, lỗ lũy kế của Halico tính tới cuối năm 2019 đã lên tới con số 402,9 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu là 410,6 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Halico sau 4 lần tăng vốn hiện đạt 200 tỷ đồng.

Halico tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội do hãng Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong 5 nhà máy được Fontaine xây dựng ở Đông Dương và được vận hành bởi người Pháp vào thời gian đó.

Có tuổi đời lịch sử trên 120 năm, Halico hiện vẫn là một trong những doanh nghiệp sản xuất rượu lớn nhất Việt Nam với các thương hiệu Lúa Mới, Vodka Hà Nội, Bluebird… Tuy nhiên, các sản phẩm của Halico đã trở nên mờ nhạt và lép vế dần trên thị trường. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến công ty liên tục ghi nhận thua lỗ (bắt đầu từ năm 2015 đến nay).

Lãnh đạo Halico cũng từng thừa nhận, mặc dù các thương hiệu của công ty vẫn duy trì một chỗ đứng nhất định trên thị trường, song khả năng phát triển trong tương lai vẫn còn nhiều thách thức.

Có thể kể đến việc Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định 100/2019 nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kinh doanh của Halico và các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu thời gian tới.

Luật này đưa ra các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia bao gồm: cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi và cấm lái xe sau khi uống rượu bia.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng sẽ gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để giáo dục cho người tiêu dùng về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đồ uống có cồn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Theo thông tin tại bản cáo bạch của Halico thì Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang sở hữu 54,29% cổ phần doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, công ty còn có một cổ đông lớn khác là Streetcar Investments Holdings Pte. Ltd thuộc tập đoàn rượu lớn nhất thế giới Diageo sở hữu 45,57% vốn điều lệ.

Được biết, trong giai đoạn 2011-2012, Diageo đã bỏ ra khoảng 1.945 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD để sở hữu 45,57% cổ phần Halico tương ứng định giá Halico vào khoảng 4.268 tỷ đồng.

Bất chấp kinh doanh thu lỗ, cổ phiếu HNR của Halico vẫn được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán từ giữa năm 2018 với mức giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 31.900 đồng, tương ứng với mức định giá 638 tỷ đồng, vẫn thấp hơn rất nhiều so với định giá của Diageo.

Tuy nhiên, hiện mức giá HNR chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa sụt xuống còn 240 tỷ đồng. Mã này hầu như không có thanh khoản.

 

Theo Dân trí

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục