Hướng đi nào cho các sàn giao dịch: tự “bơi” hay “chết đuối”?

(Kinhdoanhnet) - Bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Điều đó đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các sàn giao dịch BĐS. Trước thực trạng đó, các sàn giao dịch BĐS đã làm gì để duy trì hoạt động và giành lấy sự sống cho chính mình?

Hướng đi nào cho các sàn giao dịch: tự “bơi” hay “chết đuối”? - Ảnh 1
Sàn giao dịch tồn tại là một thực tế khách quan, nhưng để sàn phát triển cần có một "lối đi" riêng

Tự “bơi”…

Sau khi Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực ngày 1/1/2007, quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải đưa sản phẩm ra thị trưởng thông qua sàn giao dịch BĐS, các sàn giao dịch BĐS đã mọc lên như nấm. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 7 năm thực hiện quy định này, cả nước có 1.148 sàn giao dịch BĐS đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, Hà Nội có 489 sàn, TP HCM có 410 sàn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm như hiện nay, hàng loạt các sàn giao dịch đã phải đóng cửa (chiếm từ 70 - 80%). Số liệu mới đây từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trong số gần 500 sàn giao dịch đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tới 122 sàn không hoạt động và hơn 200 sàn không có bất kỳ giao dịch thành công nào trong năm qua. 

Trên thực tế, đa số các sàn giao dịch BĐS đang tồn tại và hoạt động khá tốt trên thị trường hiện nay đều là các sàn giao dịch do các cá nhân hoặc nhóm những cá nhân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS lập ra để hoạt động. Họ là những người làm môi giới và tư vấn chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm, thực sự yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề. Các sàn giao dịch này đã tập hợp được một đội ngũ những nhà môi giới và tư vấn giỏi. Vì vậy, trong thời điểm khó khăn như hiện tại, họ vẫn có thể xoay sở, chèo chống tốt bằng việc bán các sản phẩm BĐS thông qua các mối quen biết và uy tín sẵn có của mình.

Trước sức ép để tồn tại, các sàn giao dịch này không chỉ chủ động “nằm vùng” ngay tại dự án để bán hàng mà còn bắt tay nhau để thành lập các liên minh, tạo sức mạnh tổng hợp trên thị trường. Tại Hà Nội, hiện đang tồn tại 2 liên minh sàn giao dịch BĐS hoạt động khá hiệu quả là G5 và R9+.

Bên cạnh đó, để có thể duy trì hoạt động, ngoài việc môi giới mua bán các BĐS riêng lẻ, các sàn giao dịch còn kết hợp nhiều loại hình hoạt động khác như: dịch vụ tư vấn và môi giới mua bán, chuyển đổi hay góp vốn đầu tư các dự án với chủng loại rất đa dạng (dự án căn hộ, dự án khách sạn, dự án resot, dự án nhà xưởng công nghiệp…)… hoạt động thành công của sàn giao dịch Sohovietnam là một ví dụ.

Một ví dụ khác như sàn giao dịch bất động sản DTJ. Ngoài việc môi giới mua bán BĐS, sàn còn triển khai mảng đầu tư và phân phối - một lĩnh vực hoạt động truyền thống của công ty trước khi tham gia vào thị trường BĐS.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Phú Quý - một trong những sàn giao dịch BĐS đang phân phối nhiều dự án BĐS Hà Nội hiện nay: Để các sàn giao dịch BĐS có thể tồn tại và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, thì trước hết cần phải chú ý đến vấn đề đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó là yếu tố về năng lực tài chính để sàn hoạt động ổn định và nỗ lực trong việc tạo dựng uy tín của doanh nghiệp. 

Hay “chết đuối”! ?

Trong khi một số sàn giao dịch BĐS đang chèo lái tốt trước những biến động của thị trường thì một số khác đã bị “khai tử”, hoặc chỉ tồn tại cầm chừng để đón đầu cơ hội khi thị trường khởi sắc trở lại. 

Đây chủ yếu là các sàn giao dịch BĐS do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc chủ đầu tư các dự án lớn dựng lên, để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là bán sản phẩm của đơn vị đó nhằm hợp thức hóa việc bán hàng theo quy định của pháp luật (phải giao dịch qua sàn) của chủ đầu tư. Việc mua bán các sản phẩm khác ngoài dự án thường chỉ diễn ra khi thị trường thuận lợi hoặc một vài cá nhân có những mối quan hệ riêng mượn danh nghĩa của sàn để mua bán. 

Lợi thế của các sàn giao dịch này là có sự đầu tư và hậu thuẫn của chủ đầu tư. Tuy nhiên, cũng vì lợi thế có chỗ “dựa lưng” đó mà khi thị trường BĐS gặp khó khăn, các sàn giao dịch này không đủ khả năng để ứng phó với thị trường và cạnh tranh với các sàn giao dịch khác. Do được thành lập để thực hiện nhiệm vụ bán hàng cho chủ đầu tư, nên dù có bán được hàng hay không thì mọi chi phí từ thành lập sàn, đến lương, thưởng của nhân viên đều do chủ đầu tư chi trả. Chính vì cơ chế “bao cấp” như vậy nên loại sàn giao dịch này rất ít nhân viên bán hàng giỏi, chuyên nghiệp.Và kết quả là các sàn giao dịch này đã phải lặng lẽ đóng cửa hoặc chỉ “âm thầm” hoạt động chờ thời.

Điển hình của loại hình này, có thể kể đến như sàn của Vinaconex tại Trung Hòa - Nhân Chính, sàn của HUD tại Kim Mã, sàn của Hapulico tại Nguyễn Huy Tưởng, sàn của Dầu khí Đông Đô tại Mỹ Đình, sàn của Cienco 507 tại Trần Thái Tông…

Thị trường BĐS khó khăn và đầy biến động, đó cũng là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp phân phối sàn phẩm và dịch vụ BĐS khẳng định bản lĩnh và tự hoàn thiện mình cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp cần phải vượt qua nó để phát triển hoặc chấp nhận phá sản như một quy luật tất yếu.

Thu Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục