HUD đến đâu phá vỡ quy hoạch ở đó, nhưng lại “mơ” làm dự án kiểu mẫu tại Đà Lạt?

Hàng loạt dự án KĐT do HUD làm chủ đầu tư như KĐT kiểu mẫu Linh Đàm, KĐT mới Việt Hưng, KĐT Văn Quán… đều bị điều chỉnh, “phá vỡ” quy hoạch ban đầu. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn “mơ” đầu tư, xây dựng dự án KĐT kiểu mẫu tại Đà Lạt?

HUD “mơ” làm dự án kiểu mẫu tại Đà Lạt?

Ngày 25/5, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 dự án Đà Lạt Paradise Garden (khu dân cư số 5, phường 4). Đây là dự án đô thị có quy mô lớn nhất TP Đà Lạt từ trước tới nay.

Dự án Đà Lạt Paradise Garden có quy mô 37,5ha, dân số khoảng 3.100 người, nằm trên địa bàn phường 4, phía Tây Nam TP Đà Lạt, cách Hồ Xuân Hương khoảng 3km. Dự án bao gồm 250 lô đất biệt thự cao cấp trên diện tích 101.050m2 đất và 278 lô nhà ở nhà ở thấp tầng và biệt thự trên diện tích 37.101m2 đất phục vụ tái định cư.

HUD đến đâu phá vỡ quy hoạch ở đó, nhưng lại “mơ” làm dự án kiểu mẫu tại Đà Lạt? - Ảnh 1
Phối cảnh tổng thể dự án Đà Lạt Paradise Garden.

Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho hợp danh Tổng Cty HUD - Cty CP Hợp Phú - Cty CP Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư, trong đó Tổng Cty HUD là đơn vị đại diện.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty HUD cùng các đối tác triển khai GPMB và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án từ năm 2010.

"Tiền sử" phá vỡ quy hoạch dự án

Tham vọng xây dựng KĐT kiểu mẫu tại Đà Lạt, nhưng thực tế, HUD lại là doanh nghiệp từng vướng nhiều “tai tiếng” liên quan đến việc phá vỡ quy hoạch nhiều KĐT do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Điển hình nhất trong đó phải kể đến khu đô thị Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư. KĐT này từng một thời được công nhận là đô thị kiểu mẫu với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, xen giữa là thảm cỏ, vườn hoa, đường nội bộ rợp bóng cây.

Tuy nhiên, từ năm 2009 quy hoạch này từng bước bị “băm nát”, tình trạng bụi bặm, tắc đường và lộn xộn là những gì đang diễn ra. Có một thực trạng đang khiến khu đô thị Linh Đàm trở nên xấu xí hơn bao giờ hết là những tòa chung cư cao "chọc trời" phá vỡ quy hoạch, cảnh quan, cứ liên tục được mọc lên sau quá trình xin điều chỉnh quy hoạch.

Sự gia tăng xây dựng các công trình cao tầng, có chiều cao từ 35-40 tầng đã vượt quá quy hoạch được phê duyệt ban đầu, đồng nghĩa với việc gia tăng mật độ dân cư rất lớn so với quy hoạch cũ.

HUD đến đâu phá vỡ quy hoạch ở đó, nhưng lại “mơ” làm dự án kiểu mẫu tại Đà Lạt? - Ảnh 2
Các tòa cao ốc mọc lên chi chít, phá vỡ quy hoạch KĐT kiểu mẫu Linh Đàm. Ảnh Zing.vn

Một dự án khác cũng rơi vào tình trạng trên là KĐT Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà HUD2 (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị HUD) làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Việt Hưng có Quy mô 302,5 ha với 24 khối nhà 5 tầng, 12 khối nhà chung cư có chiều cao từ 9 - 12 tầng, 600 biệt thự và nhà vườn.

Thời gian gần đây, tình trạng phá vỡ sự đồng bộ trong thiết kế đang ồ ạt diễn ra, phần nào đã lấy đi sự hài hòa và vẻ đẹp vốn có của KĐT này. Nhiều căn nhà, biệt thự đã và đang được thiết kế theo sở thích riêng của các nhà đầu tư thứ cấp, không theo quy hoạch chung ban đầu. Ví dụ như tại địa chỉ tòa 01 –BT03 hay D1 BT8, 15 BT03.

Mới đây nhất, HUD đã đề xuất điều chỉnh quy mô và ranh giới Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới (KĐTM) Việt Hưng (quận Long Biên, TP Hà Nội) từ 302,5 ha xuống 223,6 ha.

Trong đó, quy mô diện tích và ranh giới dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự điều chỉnh giảm từ 93,6 ha xuống 13,1 ha; quy mô diện tích và ranh giới dự án KĐTM Việt Hưng không thay đổi (210,5 ha).

Cùng với đó, Tổng công ty HUD cũng đề xuất điều chỉnh tăng quy mô nguồn vốn đầu tư (từ 7.841,782 tỷ đồng lên 8.997,45 tỷ đồng). Đồng thời xin điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án thêm 15 năm (từ giai đoạn 2004-2009 sang giai đoạn 2004-2024).

HUD đến đâu phá vỡ quy hoạch ở đó, nhưng lại “mơ” làm dự án kiểu mẫu tại Đà Lạt? - Ảnh 3
Quy hoạch KĐT Việt Hưng đang bị biến dạng, CĐT vẫn tiếp tục xin điều chỉnh quy mô dự án.

Tương tự tại KĐT Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), người dân sinh sống tại đây cho rằng, KĐT này đang bị biến dạng vì quy hoạch liên tục được điều chỉnh theo hướng có lợi cho chủ đầu tư.

Theo quy hoạch được phê duyệt, KĐTM có ô đất dành để xây dựng trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo. Nhưng ô đất dành xây trường học ký hiệu TH2 sau gần 5 năm vẫn để cho cỏ mọc, trong khi 2 ô đất quy hoạch để xây nhà trẻ mẫu giáo đã bị điều chỉnh.

Theo đó, tại các khu đất ký hiệu NT1, NT2 đều bị điều chỉnh quy hoạch từ công viên cây xanh thành khu nhà trẻ, mẫu giáo và từ khối nhà có chiều cao 2 tầng điều chỉnh thành 6 tầng.

Lô đất ký hiệu CC2 trước đây được quy hoạch xây dựng công trình dịch vụ công cộng cao 5 tầng, cũng được chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch để xây dựng tòa nhà hỗn hợp chung cư cao 36 tầng, với hàng trăm căn hộ cao cấp để bán.

Lô đất ký hiệu CQ1 (trước đây được quy hoạch cho mục đích công cộng) đã được chủ đầu tư chuyển nhượng cho Cty Cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư cấp 2. Sau đó, Cty Cổ phần BIC Việt Nam xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 thành dự án hỗn hợp chung cư cao 27 tầng để bán.

Hay tại KĐT HUD Hà Tĩnh (Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh), nhiều căn nhà, biệt thự đã bị thay đổi thiết kế, cơi nới, cải tạo phá vỡ quy hoạch tổng thể của KĐT… Có đến 30 căn nhà bị thay đổi so với thiết kế, quy hoạch ban đầu.

Áp lực thu hồi vốn, HUD phải bán một phần tòa nhà HUD Tower

Ngày 22/5/2018, trước nhu cầu của khách hàng cũng như áp lực thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, HUD đã có văn bản xin chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower và được Bộ Xây dựng chấp thuận.

HUD đến đâu phá vỡ quy hoạch ở đó, nhưng lại “mơ” làm dự án kiểu mẫu tại Đà Lạt? - Ảnh 4
HUD đã bán một phần tòa nhà HUD Tower do áp lực về vốn.

Theo đó, HUD sẽ được phép chuyển nhượng một phần diện tích sàn văn phòng, thương mại hoặc chuyển nhượng một phần dự án. Trước đó, HUD cũng từng muốn bán “đứt” dự án này để thu hồi vốn, nhưng sau đó, công ty này lại cho rằng thực trạng và kết quả kinh doanh của dự án không cho phép việc chuyển nhượng toàn bộ.

HUD Tower là tòa cao ốc tọa lạc trên lô đất có diện tích 6.500 m2 ở số 37, đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã nộp tiền thuê đất một lần có thời hạn đến năm 2059. Dự án khởi công từ năm 2010, đã đưa vào khai thác thương mại với tổng diện tích sàn 70.000 m2.

Đây là dự án được HUD đầu tư trong giai đoạn từ trước năm 2011, với tổng mức đầu tư được cho là khoảng 2.000 tỷ đồng, tòa nhà nghìn tỷ thể hiện rất rõ tham vọng của HUD lúc này. Thời điểm đó, HUD là hình mẫu lý tưởng của các tổng công ty, từ Bắc vào Nam, doanh nghiệp này phát triển rầm rộ các dự án lớn, các khu đô thị, khu nhà ở…

Tuy nhiên, sau 2011 thị trường BĐS suy thoái, HUD gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí mắc nhiều sai phạm. Năm 2015, HUD từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt lỗ hổng trong đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, giai đoạn trước năm 2011, tổng công ty đã đầu tư nhiều dự án vượt xa khả năng tài chính, quản trị, dẫn đến triển khai bị chậm trễ.

Trong giai đoạn thị trường bất động sản suy thoái 2011-2012, doanh nghiệp đã phải chuyển nhượng lại nhiều dự án để thu hồi vốn. Đơn cử như khu đất vàng Tổ hợp Ánh Dương tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục