Báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam, Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam vẫn có nhiều khả năng duy trì vị trí đi đầu ở châu Á với GDP tăng trưởng nhanh, miễn là các cuộc cải cách phải được thực hiện.
HSBC khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa
Theo HSBC, kinh tế Việt Nam có hai điều “đáng được hoan nghênh”.
Thứ nhất, theo khảo sát về chỉ số PMI của tháng 8 thể hiện lĩnh vực sản xuất của Việt Nam - lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất - tiếp tục tăng trưởng tháng thứ chín liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng. Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ. Tương tự như vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, sản xuất vẫn đang là lĩnh vực vô cùng quan trọng tại Việt Nam vì đang nhận dòng vốn FDI nhiều nhất. Trong tháng 8, chỉ số PMI của ngành sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước. Các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện dựa vào những gì đạt được ở chỉ số phụ việc làm, tồn kho hàng mua. Ngay cả sản lượng, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã tăng tuy mức độ yếu hơn
Xuất khẩu trong tháng tăng 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái (từ đầu năm đến nay tăng 5,5% so với cùng kỳ) và nhập khẩu tăng 8,2% so với cùng kỳ ( từ đầu năm đến nay giảm 0,3% so với cùng kỳ). Tăng trưởng xuất nhập khẩu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng mạnh hơn các lĩnh vực trong nước, giúp thặng dư thương mại tháng 8 gia tăng USD572,5 triệu (từ đầu năm đến nay là USD2,87 tỷ).
Nguồn vốn FDI cũng tiếp tục chảy đều đặn vào nền kinh tế. Từ đầu năm đến tháng 8, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt USD9,8 tỷ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực sản xuất và chế biến thu hút dòng vốn FDI lớn nhất chiếm 73% trong tổng số, tiếp theo là bất động sản chiếm 6% và lĩnh vực khoa học và công nghệ chiếm 4,3%.
Tuy nhiên cũng theo HSBC, có những vấn đề cần lưu ý đối với kinh tế Việt Nam. Trong đó, mặc dù lạm phát hiện tại không phải là một mối quan ngại lớn do vẫn được duy trì ở dưới mức mục tiêu 5%, nhưng cũng cần phải theo dõi sát sao chỉ số này vì áp lực giá cả đang ngày càng tăng.
Lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đã đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 cũng tăng đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm nhẹ trong tháng 8. Đáng chú ý là giá cả thực phẩm và nhiên liệu đều tăng trong tháng 9. Cùng với đó là chi phí giáo dục gia tăng đáng kể khi nhiều tỉnh thành đã điều chỉnh học phí theo lộ trình.
Ngoài ra, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997, nhưng mức tăng trung bình này theo HSBC, vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại và vì vậy, có thể sẽ thúc đẩy lần tăng giá thứ hai.
Mặc dù có nhiều thách thức đặt ra song HSBC cho rằng có nhiều yếu tố tích cực tác động đến kinh tế. Đó là việc Chính phủ đặt trọng tâm vào cải cách cơ cấu kinh tế, nếu được thực hiện có hiệu quả, sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hơn bao giờ hết.
Thu Trang (TH theo Thời báo tài chính, CafeF)