Mùa ĐHCĐ thường niên 2014 gần như đã khép lại với hầu hết các doanh nghiệp đã tổ chức thành công đại hội. Một vấn đề thiết thân, gắn liền với quyền lợi cổ đông được đưa ra chất vấn tương đối nhiều là vấn đề cổ tức. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp thua lỗ trong thời gian trước đó, lợi nhuận có được năm 2013 vẫn phải "đập vào" bù lỗ thay vì chia cổ tức cho các cổ đông. Bởi đơn giản, một khi còn lỗ lũy kế, thì cổ đông hãy tạm thời "quên" đi cổ tức.
Gần đây, Hanoimilk đã tiến hành giải quyết vấn đề nói trên tương đối êm thấm khi quyết định dùng toàn bộ khoản thặng dư vốn để bù lỗ lũy kế. Lợi nhuận có được, do vậy đã được công ty chia cổ tức cho cổ đông năm 2013, mặc dù với tỷ lệ rất nhỏ (2%), nhưng thể hiện sự nỗ lực của công ty trong việc quan tâm sâu sắc đến quyền lợi của cổ đông.
Vấn đề đặt ra là không phải doanh nghiệp nào cũng có khoản thặng dư vốn dồi dào đến vậy. Hầu hết các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thị giá cổ phiếu đi xuống, khoản thặng dư vốn điều lệ là cái gì đó rất xa vời.
Thế nhưng, kiểm tra các doanh nghiệp niêm yết hiện nay, số trường hợp như Hanoimilk (thặng dư vốn điều lệ đủ sức bù lỗ lũy kế) không phải là hiếm. Trong đó có các doanh nghiệp lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng và đang phải đau đầu tìm cách xóa lỗ, chi trả cổ tức cho các cổ đông.
Lỗ hàng trăm tỷ, chuyện nhỏ
Còn nhớ, vào tháng 4 vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán "bỗng dưng" đưa cổ phiếu một loạt công ty chứng khoán vào diện cảnh báo. Nguyên nhân xưa cũ là lỗ lũy kế.
Quan sát kết quả kinh doanh quý 1 của các công ty chứng khoán nói trên, chúng ta đều thấy có lãi. Chứng khoán trải qua nhiều phen lận đận, kết quả là những khoản lỗ từ mấy năm trước vẫn cứ đeo bám mãi hoạt động kinh doanh hiện tại của các công ty. Có thể kể đến Chứng khoán Sài gòn-Hà Nội (SHS) lên kế hoạch lợi nhuận khủng năm 2014 với kỳ vọng bù đắp lỗ lũy kế, Chứng khoán Hải Phòng (HPC) tính cách hợp nhất với công ty chứng khoán khác với cùng mục đích.... Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVS) dự kiến phải hết năm 2015 công ty mới có thể xóa lỗ lũy kế
Trong các công ty chứng khoán lâm vào hoàn cảnh nói trên, BVS là công ty duy nhất có khoản thặng dư vốn điều lệ đủ để bù đắp lỗ lũy kế. Tính đến cuối quý 1, BVS lỗ lũy kế 114 tỷ đồng, trong khi khoản thặng dư vốn điều lệ của công ty lên tới 610 tỷ đồng, đã được duy trì từ năm 2010 đến nay mà...chưa biết làm gì!
Theo thống kê của chúng tôi, hiện có khoảng 30 công ty có thể xóa lỗ lũy kế theo phương án nói trên. Trong đó, có các công ty lỗ lũy kế trên 100 tỷ đồng, đó là LCG, ITC, MCG và BVS.
Khi nào nên xóa lỗ?
CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) với tình hình kinh doanh tương đối khó khăn, hiện đang lỗ lũy kế 59 tỷ đồng, vừa lên phương án phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá nhờ khoản thặng dư vốn trên 110 tỷ đồng. Như vậy, thay vì xóa lỗ chỉ thông qua việc hạch toán lại, công ty này đã mạnh dạn phát hành cổ phiếu, thu nguồn tiền về cứu tình hình kinh doanh của công ty.
Cũng tương tự PTC, năm 2013, Gỗ Trường Thành TTF trước áp lực dòng tiền cũng đã phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, bù vào bằng khoản thặng dư vốn cổ phần có từ mấy năm trước.
Như vậy, việc xóa lỗ lũy kế, nếu sử dụng, cũng chỉ thích hợp ở các doanh nghiệp làm ăn tương đối tốt, dòng tiền không phải là vấn đề quá cấp bách. Khi đó, chỉ bằng một biện pháp kỹ thuật đơn giản, mọi việc có thể nhanh chóng được giải quyết, "bóng ma quá khứ" được rũ bỏ trong giây lát. Khi thiếu hụt dòng tiền, cổ tức không phải là câu chuyện mà các doanh nghiệp quan tâm trước hết.
Trao đổi với chúng tôi, kế toán trưởng của một trong các doanh nghiệp nói trên (đủ điều kiện xóa lỗ lũy kế bằng thặng dư vốn điều lệ) cho biết hiện bà chưa thấy bất kỳ quy định nào cho phép thực hiện việc đó. Đặt lại vấn đề, cũng chưa có văn bản nào cấm! Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra khá dè dặt, vì theo bà, việc "làm những việc mà pháp luật không cấm", trong điều kiện hiện nay, chưa hẳn đã an toàn.
Ngoài ra, cũng phải nhận thấy, nguồn thặng dư vốn điều lệ, vốn dĩ là của cổ đông. Trong khi việc làm ăn thua lỗ, là việc của ban điều hành! Thế cho nên, ban điều hành phải làm thế nào để lợi nhuận tự bù đắp lỗ lũy kế, chứ không phải lấy từ nguồn mà cổ đông đã đóng góp trước đó. Lý luận nói trên không phải là không có cơ sở.
Mặc dù có vẻ hiệu quả, nhưng hiện nay ngoài HNM, trên sàn chưa có doanh nghiệp nào áp dụng phương pháp nói trên. Suy cho cùng, việc xóa lỗ lũy kế bằng bù đắp khoản thặng dư vốn điều lệ là việc "lấy từ túi nọ cho vào túi kia". Trong khi, nguyên tắc cơ bản của tài chính doanh nghiệp vẫn là tách biệt "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương" - có lẽ cũng là nguyên nhân hệ thống các tài khoản kế toán trở nên nhiều và phức tạp đến như vậy.
Theo Trí Thức Trẻ