Trước phiên thảo luận của Hội đồng Lập pháp Hong Kong về cải cách bầu cử ở đặc khu hành chính này, từ ngày 17/6, cảnh sát đã điều động 200 sỹ quan cắm chốt bên trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp.
Động thái này được thực hiện sau khi có tin tình báo nhận định có khả năng các phần tử cực đoan xông vào tòa nhà.
Hong Kong thắt chặt an ninh trước thềm thảo luận cải cách bầu cử
Theo Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong Tăng Ngọc Thành, Ủy ban Lập pháp đã chấp thuận khuyến cáo của cảnh sát và cho phép bố trí các sỹ quan bên trong tòa nhà để giúp duy trì trật tự.
Tối 16/6, khoảng 30 cảnh sát mặc thường phục mang theo nhiều trang thiết bị đảm bảo an ninh, được 30 sỹ quan mặc quân phục hộ tống vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Giao thông dẫn đến đường Thiêm Hoa (Tim Wa), bên ngoài Văn phòng Trưởng Đặc khu, đã bị chặn kể từ 11 giờ đêm.
Theo nguồn tin cảnh sát, kế hoạch đảm bảo an ninh sẽ huy động tổng cộng 7.000 sỹ quan duy trì trật tự trong suốt quá trình diễn ra các phiên thảo luận. Ngoài 200 sỹ quan cắm chốt bên trong trụ sở Hội đồng Lập pháp, 1.000 nhân viên khác sẽ tuần tra bên ngoài tòa nhà.
Mặc dù bản dự thảo cải cách của chính phủ sẽ lần đầu tiên cho phép toàn bộ người dân Hồng Kông được trực tiếp bầu nhà lãnh đạo đặc khu hành chính này trong năm 2017, các ứng viên trước đó vẫn phải được chọn ra bởi một ủy ban gồm những người được cho là trung thành với Bắc Kinh.
Bản kế hoạch do vậy bị các nghị sỹ đối lập tuyên bố là “dân chủ giả tạo” và tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống, nhằm khiến kế hoạch này không thể nhận được 2/3 số phiếu đa số cần thiết.
Kế hoạch đảm bảo an ninh sẽ huy động tổng cộng 7.000 sỹ quan duy trì trật tự
Giới chức Hồng Kông nhiều lần khẳng định họ không thể làm khác phán quyết hồi tháng 8 năm ngoái của Bắc Kinh, vốn từng khiến bùng phát những cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố, khiến khu vực trung tâm bị tê liệt. Trong hôm nay, bản kế hoạch được đưa ra để các nghị sỹ bàn thảo, trước khi bỏ phiếu vào thứ Sáu này.
Nhà phân tích chính trị Sonny Lo gọi đây là “thời điểm gay go” và cho rằng dự thảo luật khó có khả năng được thông qua sau những tuyên bố của các nghị sỹ theo đường lối dân chủ. Điều này sẽ mở đường cho thêm những chia rẽ giữa Bắc Kinh và Hồng Kông, chuyên gia này đánh giá.
“Bắc Kinh sẽ đổ lỗi cho các nghị sỹ dân chủ đã phá hỏng bản kế hoạch cải cách này, mà họ cho rằng đã thể hiện một sự nhượng bộ chân thành từ chính quyền trung ương”.
Phương Anh (TH)