Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 điều, bao gồm các quy định chung; hòa giải viên; trình tự thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải.
Trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên.
Các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật, như: phạm vi sửa đổi dự án Luật; kinh phí, lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; về việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành…
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1./.
Theo TTXVN/Bnews