Hội nghị Thượng đỉnh Thụy Điển – Việt Nam

Hội nghị Thượng đỉnh Thụy Điển - Việt Nam tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, thúc đẩy thương mại và đầu tư, qua đó tăng cường kết nối các doanh nghiệp giữa 2 nước

Hội nghị Thượng đỉnh Thụy Điển – Việt Nam - Ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Thượng định Việt Nam – Thụy Điển. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, ngày 7/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển cùng các đối tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thụy Điển - Việt Nam với chủ đề "Đối tác vì Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo".

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đặc biệt quan trọng là sự hiện diện của Công chúa kế vị Hoàng gia Thụy Điển Victoria, Hoàng tử Daniel, Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde và phái đoàn doanh nghiệp gồm đại diện 50 doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển như ABB, Astra Zeneca, Atlas Copco, Ericsson, Electrolux, IKEA, Oriflame, SAAB, Volvo Buses…

Hội nghị Thượng đỉnh Thụy Điển - Việt Nam tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như: Thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển qua đó tăng cường kết nối các doanh nghiệp giữa 2 nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, lợi thế giữa các bên; Sản xuất đổi mới bền vững, thành phố thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Các khuyến nghị mới có liên quan tới ngành giáo dục và y tế….

Phát biểu khai mạc hội nghị, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria khẳng định, Việt Nam và Thụy Điển đã có mối quan hệ lâu dài, bền vững dựa trên niềm tin và tôn trọng lẫn nhau; từ đó, dần chuyển sang mối quan hệ đối tác thương mại.

Tiến trình phát triển kinh tế đang tạo ra nhiều thách thức để tiến tới một xã hội bền vững, năng động và phát triển lâu bền. Có rất nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước Thụy Điển và Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ góp phần hiện thực hóa tiềm năng ấy.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Thụy Điển và Việt Nam; cũng như sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này.

Đại diện Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với phía Thụy Điển trong việc phát triển sản xuất kinh doanh trên một số lĩnh vực mới hướng tới sự bền vững và đem lại lợi ích cho cả hai dân tộc, hai quốc gia.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Thụy Điển là những người bạn giúp đỡ Việt Nam từ trong chiến tranh, những công trình, thiết bị của Thụy Điển đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam tái thiết và hòa nhập với thế giới. Tôi mong rằng với sự hỗ trợ tích cực của Thụy Điển, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vào cuối năm nay sẽ được ký kết, tiếp tục mở ra một thời kỳ mới về hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Điển nói riêng, Liên minh châu Âu nói chung”.

Về phía Thụy Điển, bà Ann Linde, Bộ trưởng Ngoại Thương Thụy Điển cho biết, có rất nhiều lý do để Chính phủ và các doanh nghiệp Thụy Điển tìm kiếm cơ hội thương mại và kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cộng thêm tiềm năng tới từ khu vực tiêu dùng và tinh thần lạc quan của các doanh nghiệp.

Với những cam kết thương mại toàn cầu như nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết; trong đó, gồm cả Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu (dự kiến bắt đầu hiệu lực vào năm 2020), Việt Nam không chỉ là thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia, mà còn là một trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai.

Việt Nam còn có hệ sinh thái kinh doanh rất năng động nên nhiều công ty của Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam

Song song thời điểm diễn ra hội nghị là Triển lãm về những giải pháp của Thụy Điển để giới thiệu và trưng bày những thành tựu mới của Thụy Điển trong lĩnh vực sáng tạo đổi mới và phát triển bền vững.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin về thị trường Thụy Điển; chia sẻ và học tập các kinh nghiệp về quản lý, sáng tạo và gặp gỡ các đối tác tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan./.

 

Thạch Huê - BNEWS/TTXVN.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục