Hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%

Hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Chỉ số CPI tháng 12/2020 tăng 0,19% so với tháng 12/2019, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Lý giải chỉ số CPI tháng 12 tăng, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng... là những yếu tố làm cho chỉ số CPI tăng 0,1%.

Tuy nhiên, ở góc độ điều hành vĩ mô, Chính phủ luôn chỉ đạo đúng đắn, kịp thời nhằm khống chế đà tăng CPI ngay từ đầu năm. Chính phủ đã triển khai hàng loạt gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như giảm giá điện; bảo đảm cung – cầu thịt lợn, kiềm chế đà tăng giá… góp phần đáng kể vào mục tiêu khống chế lạm phát.

Hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% - Ảnh 1

CPI bình quân năm 2020 và lạm phát cơ bản đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Liên quan đến chỉ số CPI, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng đưa ra dự báo và các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát năm 2021. Bao gồm: yếu tố điều hành, yếu tố thị trường, yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi, một số yếu tố khác.

Về yếu tố điều hành: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế kết cấu chi phí quản lý tác động làm CPI tăng 0,13%. Tổng chung các yếu tố này sẽ tác động làm CPI tăng khoảng 0,13%. Dịch vụ giáo dục được điều chỉnh theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ ngày 2/10/2015, Tổng cục Thống kê ước tính nhóm Dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI tăng khoảng 0,4%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng năm 2021 ước khoảng 14%-15%, với mức này vừa đủ với sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, tránh rủi ro nợ xấu và hỗ trợ tăng trưởng bền vững, đảm bảo ổn định lạm phát. 

Ngoài ra, dự báo tỷ giá hối đoái có thể sẽ tăng nhưng không đột biến do phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt đã làm giảm rủi ro so với việc trước đây chỉ “neo” VNĐ với đồng tiền duy nhất USD, do vậy dự báo sẽ không có tác động đột biến đối với CPI.

Tiếp theo là yếu tố thị trường: Năm 2021, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng của giá trên thị trường thế giới. Giá xăng dầu có thể tăng nhẹ do các thông tin về vaccine Covid-19 có hiệu quả và kỳ vọng tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC) sẽ giữ khai thác dầu thấp hơn trong năm 2021 nhằm hỗ trợ giá dầu. 

Tổng cục Thống kê dự báo giá xăng dầu trong nước (với tỷ giá VND/USD tăng 3%) sẽ tăng khoảng 10%-15% so với năm 2020 tác động làm tăng CPI khoảng 0,3%-0,5%. Thêm vào đó, giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội. Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch tăng trưởng trở lại, giá dịch vụ du lịch tăng 2%-5% so với năm 2020 tác động làm CPI tăng khoảng 0,03%-0,06%.

Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi: Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng.

Cuối cùng là các yếu tố khác: Dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, tình hình quốc tế còn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, như: Mỹ với EU và Canada; căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, OPEC và các nước đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu nên có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước.

Hoài Thương

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục